QĐND Online – Khoảng hơn chục năm nay, quả phật thủ thường được người dân tìm mua và được đặt ở vị trí trang trọng trên mâm ngũ quả thờ tổ tiên trong các ngày rằm, ngày lễ, Tết. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng để sở hữu một quả phật thủ “độc” vào dịp Tết.

Anh Thạch khoe quả phật thủ có giá bán 500.000 đồng

 Làng phật thủ độc quyền đất Bắc

Đến xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội), làng duy nhất trồng phật thủ ở đất Bắc đúng thời điểm các thương lái nườm nượp tới chọn mua phật thủ để chuẩn bị bán ra thị trường vào dịp tết Giáp Ngọ, chúng tôi có dịp tìm hiểu nguyên nhân vì sao quả phật thủ lại có giá cao như vậy.

Đến thời điểm này, cả vườn phật thủ của anh đã gần như “hết veo” bởi đa số khách đã đặt mua hết. Anh Thạch chia sẻ: Giá quả phật thủ đắt khiến nhiều người tưởng rằng người trồng phật thủ phải vất vả, dày công chăm sóc hơn các loại cây khác nhưng trên thực tế phật thủ thuộc họ bưởi, cam nên trồng và chăm sóc khá dễ, không tốn nhiều chi phí cho cây giống, người nông dân chỉ cần chiết cành từ những cây khỏe mạnh là có được những cây con cho vụ sau. Thực tế, ngày thường giá phật thủ chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng Tết đến do nhu cầu tăng mạnh, chủ vườn tự ý tăng giá.

Hiện nay, hơn 80% người dân Đắc Sở trồng loại cây này. Nhiều người trồng phật thủ cho hay, trừ mọi chi phí ban đầu, vườn phật thủ cho chủ vườn lãi tới hàng trăm triệu đồng/năm, chưa kể những năm cây phật thủ sai quả, lãi suất thậm trí hơn 1 tỉ đồng/năm. Hơn nữa, những năm gần đây người dân không chỉ “chơi” quả phật thủ mà còn sắm cả cây về làm cảnh, do đó phật thủ không bao giờ lo ế.

Cây Phật thủ tượng trưng cho sự bình an, sung túc đang được nhiều khách hàng lựa chọn trong dịp Tết.

 Chơi phật thủ theo “xu hướng”

Có một điều đặc biệt là quả phật thủ không bao giờ có một mức giá nhất định. Anh Thạch chia sẻ: “Đi cả vườn không tìm được quả nào giống với quả nào, mỗi quả một giá”. Những người bán có thể đẩy giá phật thủ lên cao vì họ tự đặt ra những chuẩn mực cho giá trị của loại quả này.

Chị Hoa, chủ một cửa hàng chuyên bán buôn phật thủ gần chợ Đồng Xuân cho biết: “Giá cả phụ thuộc vào thế quả, độ căng bóng của lớp vỏ ngoài, độ dày và dài của các múi. Một quả phật thủ trở nên đặc biệt quý khi có số ngón đạt trên 20 ngón, ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… “Thịnh”, theo cách đếm: “Thịnh – Suy – Vi – Thái”. Chính vì vậy, càng ngày, những quả phật thủ đẹp có giá càng cao mà không có một thước đo hay mức giá chung nào.

Chị Trần Thị Huyền Thương (Hà Nội) cho biết: “Dù thấy đắt, nhưng đây là loại quả mua để thờ cúng, mang ý nghĩa tâm linh nên khi mua tôi không muốn mặc cả nhiều; hơn nữa, ở đâu cũng bán vậy nên đành mua với mức giá ấy”.

Vẫn biết quả phật thủ chỉ đắt trong những ngày giáp Tết vì có nhiều ưu điểm, nhất là để vài ba tháng không bị héo nhưng để bỏ ra từ 150 đến 200 nghìn cho một quả phật thủ ngày Tết thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua.

Bài, ảnh: TRẦN HUYỀN – HƯƠNG GIANG