QĐND Online - Đó là phát biểu của ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 39/NQ-CP và Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân các nước Belarus, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia và phổ biến chương trình Kích cầu du lịch để hưởng ứng chính sách mới của Chính phủ nhằm thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 8-7, tại Hà Nội.

Việt Nam có mối quan hệ truyền thống lâu đời với các nước Tây Âu. Trong những năm qua, mối quan hệ đó ngày càng phát triển và nhiều nước Tây Âu đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Về kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước Tây Âu cũng như nguồn vốn FDI từ các nước Tây Âu vào Việt Nam ngày càng lớn. Tây Âu cũng là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam, trung bình mỗi năm, Việt Nam đón khoảng 700.000 khách Tây Âu và có khoảng 150.000 khách Việt Nam đến với các nước Tây Âu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, con số này còn khá thấp, chưa tương xứng với mối quan hệ kinh tế, chính trị và vị thế của Việt Nam với các nước Tây Âu. Quyết định của Chính phủ Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho công dân của 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia) và Belarus là một bước đột phá, tạo ra cơ hội lớn cho sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng khách du lịch đến Việt Nam từ các quốc gia này.

 

Toàn cảnh hội nghị.



Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, việc miễn thị thực là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải quyết định hoàn toàn đến việc tăng trưởng khách. Để thực sự thu hút được khách Tây Âu còn phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng của toàn ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng. Với mục đích đưa Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến của du khách các nước Tây Âu, ngành du lịch phải nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, huy động sức mạnh toàn ngành, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, với các địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù Việt Nam thực sự hấp dẫn, với chất lượng dịch vụ ngày càng cao hơn, chuyên nghiệp hơn.

Dựa trên yêu cầu đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng Chương trình kích cầu du lịch cho các thị trường Belarus, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia. Chương trình Kích cầu sẽ hướng tới những mục tiêu cụ thể như: Cuối năm 2015, chặn đà suy giảm của khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam. Tạo sự tăng trưởng của thị trường này từ đầu năm 2016 và đạt độ tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm và 20% những tháng cuối năm 2016. Đặc biệt, phấn đấu trong 3 năm 2016-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu đến Việt Nam đạt 1,1 triệu lượt, tăng 50% so với 2015.

Nội dung của chương trình kích cầu sẽ tập trung vào một số vấn đề chính: Xây dựng một số sản phẩm du lịch khuyến mại của chương trình; triển khai chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường du lịch; triển khai chương trình xúc tiến mạnh mẽ cho thị trường Tây Âu và Belarus…

Ông Vũ Thế Bình cũng khẳng định, trong chương trình kích cầu du lịch này, ngoài vai trò chủ đạo từ các doanh nghiệp thì rất cần sự vào cuộc của truyền thông. Cần phải triển khai một chương trình truyền thông mạnh mẽ nhiều chiều, phản ánh trung thực, khách quan các hoạt động du lịch để góp phần làm chuyển biến nhận thức xã hội về du lịch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Chỉ được Chính phủ đồng ý miễn thị thực trong thời hạn một năm cho công dân 5 nước Tây Âu và Belarus, ngành Du lịch cần phải nắm ngay lấy cơ hội này để tạo đà thúc đẩy du lịch phát triển. Theo ông Vũ Thế Bình, những người trong cuộc không nên nghĩ đến thời hạn chỉ được miễn thị thực trong vòng một năm mà hãy làm việc một cách quyết liệt, hiệu quả nhất để chứng minh việc miễn thị thực đã góp phần tạo lợi thế quan trọng cho du lịch Việt Nam. Nếu tăng trưởng khách đạt kết quả khả quan, chắc chắn Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hợp lý hỗ trợ cho ngành công nghiệp không khói.

Bài, ảnh: HỒNG THỦY