Thoát khỏi sản xuất manh mún, thiếu bền vững
Miền Đông Nam Bộ được đánh giá là khu vực có thế mạnh đặc biệt về sản phẩm cây công nghiệp và nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Vùng đang hình thành những địa phương có các loại cây chuyên canh lớn như: Điều, hồ tiêu, thanh long, chôm chôm, sầu riêng, xoài, mít... Riêng diện tích cây hồ tiêu ở khu vực này lên đến gần 48.000ha, chiếm 33,73% diện tích hồ tiêu của cả nước. Cây điều có diện tích hơn 183.000ha, chiếm 60,61% diện tích và 71,24% sản lượng điều cả nước. Toàn vùng có hơn 400 cơ sở, nhà máy chế biến điều phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Các sản phẩm nông nghiệp như chôm chôm, xoài, sầu riêng... có giá trị kinh tế cao nhưng thực tế phục vụ cho xuất khẩu đang chiếm tỷ lệ thấp, sản xuất manh mún, thiếu chỉ dẫn địa lý, áp dụng quy chuẩn sản xuất và chưa có các chứng nhận an toàn...
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Sản xuất nông nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ thiếu đầu tư chiều sâu, chưa hướng đến xuất khẩu. Đa số nông dân, chủ vườn còn lúng túng trong việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Hiệp định EVFTA như cánh cửa mở ra cơ hội lớn, nhưng muốn đi qua phải đáp ứng những quy chuẩn rất chặt chẽ: Sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm, chỉ dẫn địa lý... Chẳng hạn ở tỉnh Đồng Nai, địa phương có thế mạnh về sản lượng các loại trái cây nhưng vẫn chưa xuất khẩu được, do phần lớn sản xuất kiểu truyền thống, không gắn với thị trường xuất khẩu. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ chưa đồng bộ, bị phá vỡ trong nhiều năm qua. Đơn cử như cây hồ tiêu ở khu vực này đã vượt quy hoạch hơn 23.000ha. Trước cơ hội EVFTA, cần phải có chương trình hành động cụ thể, đánh giá thị trường xuất khẩu để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Bên cạnh đó, cần tổ chức huấn luyện cho cán bộ khuyến nông, nông dân ở địa phương nắm rõ các yêu cầu để áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chấn chỉnh ngay tình trạng sản xuất manh mún, thiếu bền vững... Nếu không, các địa phương sẽ tự mình khép cửa, để vuột mất cơ hội từ EVFTA mà Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực để ký kết với EU thời gian qua.
 |
Sầu riêng-một trong những mặt hàng chủ lực ở Đông Nam Bộ sẽ xuất khẩu sang thị trường EU thời gian tới. |
Chú trọng đầu tư chiều sâu gắn với thị trường xuất khẩu
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Các tỉnh Đông Nam Bộ có rất nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy-hải sản sang các nước EU với quy mô thị trường hơn 500 triệu người và GDP hơn 18.000 tỷ USD. Các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao sẽ có nhiều cơ hội chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khai thác lợi thế đó sao cho hiệu quả và bền vững. Các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học cần sớm chung tay để xây dựng các quy chuẩn, yêu cầu của các đối tác, phù hợp với các cam kết giữa Việt Nam và EU trong Hiệp định EVFTA. Quy trình sản xuất phải hướng đến minh bạch, chặt chẽ các khâu sản xuất, chế biến, đóng gói, tuân thủ các cam kết về môi trường, lao động...
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân chia sẻ: Cơ hội xuất khẩu nông sản từ EVFTA rất lớn. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, ngành nông nghiệp và tổ chức tín dụng thông qua các chương trình hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất, đầu tư công nghệ thì doanh nghiệp, nông dân rất khó khăn, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Đối với mặt hàng trứng gia cầm, EU cấp hạn ngạch nhập khẩu cho Việt Nam từ ngày 1-8 đến 31-12 hơn 208 tấn và mỗi năm tiếp theo 500 tấn. Với thương hiệu và uy tín của trứng gia cầm Ba Huân, công ty đang tập trung nhiều giải pháp để bảo đảm các sản phẩm sạch, đạt chuẩn khi được xuất khẩu sang EU nhằm tạo uy tín và khẳng định thương hiệu Việt Nam.
Với lợi thế về khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, cảng biển, các nhà máy chế biến..., vùng Đông Nam Bộ giữ vai trò đầu tàu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước ta. Theo ông Dương Xuân Quả, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch: "Các yêu cầu chính của thị trường châu Âu là sản phẩm nông sản của ta phải bảo đảm các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, quá trình sản xuất phải sử dụng các loại phân hữu cơ... Chúng ta cần có một cơ chế để đánh giá sát quy hoạch sản xuất, loại cây nào phù hợp với vùng đất nào, năng suất, sản lượng cao nhất, áp dụng quy trình sản xuất chặt chẽ từ khâu chọn giống cho đến thu hoạch, chế biến. Chọn làm điểm rồi nhân rộng ra để tạo sự bền vững về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đối tác. Khi thị trường châu Âu hấp thụ tốt các sản phẩm này sẽ tạo đà và uy tín cho không chỉ riêng Đông Nam Bộ mà cho cả nước. TP Hồ Chí Minh là đầu mối trung tâm chế biến, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư có chiều sâu, tinh chế sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Đón cơ hội từ EVFTA, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19, xây dựng đề án phát triển xuất khẩu cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và cả phía Nam".
Ngày 24-7, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp, chủ trang trại, nông dân, các đơn vị hỗ trợ xuất khẩu ở khu vực Nam Bộ. Các đại biểu đã thảo luận, kiến nghị cần sớm có các chương trình hỗ trợ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuyên truyền về hiệp định và các tiêu chuẩn, cam kết, cơ chế vay vốn, hỗ trợ xuất khẩu... để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Triển khai sớm các giải pháp đúng đắn, kịp thời sẽ giúp tạo nên thị trường rộng lớn, gia tăng giá trị xuất khẩu, giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp giá trị cao tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu...
|
Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN