Trước tình hình trên, ngay sau khi bão tan, lũ rút, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục sản xuất.

Tăng trưởng GDP của ngành trồng trọt giảm khoảng 0,33%

Cả vườn chuối đổ gục, tan hoang sau bão số 3, ông Phạm Văn Điềm (xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) bàng hoàng, xót xa, không muốn tin vào mắt mình nữa. Gần 10 sào chuối tươi xanh giờ chỉ còn lại những cây gãy đổ. Những dòng nhựa trắng ứa ra từ những buồng chuối non đổ gục khiến người trồng chuối héo hon. Ông Phạm Văn Điềm ngậm ngùi nói: Nếu không bị bão tàn phá, Tết này gia đình tôi cũng thu được khoảng 200-250 triệu đồng. Xã Hà Thanh có khoảng 170ha chuối bị thiệt hại do bão số 3.

leftcenterrightdel

Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa chạy bão, lũ ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Ảnh: NGHINH XUÂN 

Thu dọn những vật liệu từ các nhà lưới đổ sập, chị Phạm Thị Cuối (xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cũng không cầm được nước mắt. 4.000m2 nhà lưới trồng dưa lưới của gia đình chị sập đổ hoàn toàn. Những thanh thép, cột thép, lưới... nằm ngổn ngang khắp nơi trên đất. Nếu không bị bão tàn phá, gia đình chị có thể thu được 400 triệu đồng từ vụ dưa lưới này. Bão đã mang hết sạch 1,5-1,6 tỷ đồng của gia đình chị, trong đó phần lớn là tiền vay họ hàng để đầu tư vào sản xuất, trồng trọt. Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), bão số 3 và mưa lũ đã làm 38.104ha cây ăn quả bị hư hại (Bắc Giang 6.669ha, Hải Dương 4.372ha, Hà Nội 9.087ha, Hưng Yên 2.953ha, Hải Phòng 2.130ha, Thái Bình 1.385ha...).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết: Bão và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thiệt hại vô cùng lớn. Bão, lũ đã khiến khoảng 307,4 nghìn héc-ta cây trồng (lúa, rau màu...) ở các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ngã đổ, ngập úng. Riêng diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã hơn 200 nghìn héc-ta, trong đó khoảng 100 nghìn héc-ta có nguy cơ mất trắng. Với khoảng 100 nghìn héc-ta lúa bị ngập úng, nếu tiêu úng cứu lúa được cũng sẽ bị giảm năng suất, chưa kể thiệt hại đối với diện tích hoa màu. Ước thiệt hại trong trồng trọt khoảng 4.000 tỷ đồng, tác động tới tăng trưởng GDP của ngành trong năm 2024 giảm khoảng 0,33%.

Chung tay cùng nông dân sớm phục hồi sản xuất

Trước tình hình ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ, Bộ NN-PTNT đã hướng dẫn các địa phương, nông dân nỗ lực cứu lúa, cứu diện tích cây ăn quả (đối với những diện tích có khả năng cứu được), áp dụng biện pháp kỹ thuật, chăm sóc cây trồng sau ngập úng, phục hồi sản xuất sớm nhất có thể, bảo đảm sinh kế cho người dân. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Chính phủ xuất kho dự trữ để hỗ trợ lúa giống cho bà con khôi phục sản xuất; kêu gọi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp. Ước tính nhu cầu hạt giống các loại phục vụ vụ Đông Xuân 2024-2025 đối với các địa phương chịu thiệt hại bão lũ là 15.000 tấn lúa giống, 112 tấn hạt giống rau, 980 tấn hạt giống ngô.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: Việc hỗ trợ người dân vùng bão, lũ là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. ThaiBinh Seed sẽ hỗ trợ 50 tấn giống cây trồng (20 tấn lúa giống, 30 tấn ngô giống) cho nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc, trị giá khoảng 3 tỷ đồng. ThaiBinh Seed sẽ trực tiếp vận chuyển giống tới cho bà con các địa phương.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) giúp đồng bào địa phương thu hoạch lúa trước khi mưa bão. Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN 

Để hỗ trợ trồng trọt hiệu quả, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, yếu tố quan trọng cần phải quan tâm, lưu ý hiện nay chính là thời vụ và phương thức canh tác. Vấn đề này rất cần sự điều phối của Bộ NN-PTNT, trong đó có sự tham gia chỉ đạo của Cục Trồng trọt cung cấp giống kịp thời cho người dân. Việc hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng rất cần thiết, chỉ như vậy mới phục hồi được sản xuất hiệu quả.

Trước lo ngại về nguồn cung giống cây trồng, nhất là lúa giống phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 còn nhiều khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Cùng với nguồn giống được hỗ trợ từ các doanh nghiệp và nguồn quyên góp, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị Chính phủ xuất cấp giống từ các kho dự trữ quốc gia. Hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã hỗ trợ 50 tấn giống lúa, ngô; Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (VinaSeed) hỗ trợ giống và tiền sửa chữa trường học khoảng 3 tỷ đồng cho Bắc Giang, Sơn La, đồng thời không tăng giá giống trong thời gian sản xuất vụ Đông Xuân tới; Công ty TNHH Bayer Việt Nam đã hỗ trợ 20 tấn giống ngô...

Hiện nguồn giống lúa, ngô, giống cây rau màu của doanh nghiệp trong nước vẫn bảo đảm phục vụ sản xuất. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đề nghị không nâng giá bán trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2024, nhằm góp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất, sớm ổn định đời sống. Hiện đã có một số doanh nghiệp cam kết không tăng giá giống.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, tổng diện tích cây vụ Đông ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta ước khoảng 350.000-400.000ha. Nếu làm tốt vụ Đông này thì nguồn lương thực sẽ được bảo đảm. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm sớm khôi phục chăn nuôi để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường miền Bắc cũng như phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

NGUYỄN KIỂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.