QĐND Online - Được chỉ định trả lời thắc mắc của đại biểu Quốc hội liên quan tới nợ công trong buổi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù trong thời gian qua tình hình nợ công là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội, nhưng “nợ công vẫn trong giới hạn an toàn”.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại; cân đối ngân sách Nhà nước cùng lúc phải sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều giải pháp quan trọng… nên dẫn đến tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong ngân sách Nhà nước giảm so với các giai đoạn trước.
Từ năm 2010, Việt Nam đã phải huy động trái phiếu Chính phủ cho đầu tư lớn. Bội chi ngân sách cao, cùng với việc thúc đẩy nhanh giải ngân ODA, dư nợ công tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Năm 2011 nợ công chiếm 50% GDP; tăng 24,8% so với năm trước; năm 2012 là 50,8% GDP; tăng 18,4%; năm 2014 dự ước nợ công là 60,3% GDP; tăng 23,3%; dự kiến năm 2015 là 64% GDP; tăng 19,9%.
 |
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Eximbank. Ảnh minh họa/sggp.org.vn. |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ đã tăng từ 43% năm 2010 lên 54,5% năm 2014 và nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 59,7% năm 2010 xuống còn 45,5% năm 2014. Về sử dụng tiền vay, vay đầu tư chiếm 98,1%; vay ngân sách 1,4%; vay chi sự nghiệp 0,4% số tiền vay.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành tài chính cũng thừa nhận dư nợ công tăng nhanh, cuối 2015 dự kiến tỷ lệ nợ công sẽ trên 64% GDP - sát ngưỡng giới hạn quy định của Chính phủ. Cơ cấu nợ phê duyệt chưa thực sự bền vững, các khoản vay trong nước đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu là vay ngắn hạn; thời hạn vay trong nước trung bình chỉ khoảng 4,3 năm, riêng trái phiếu Chính phủ là 2,6 năm làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ trong ngắn hạn.
“Thực tế trong những năm qua chúng ta đã phải phát hành đảo nợ để trả nợ khi đến hạn. Cụ thể là năm 2012 là 20.000 tỷ đồng, năm 2013 là 40.000 tỷ đồng và dự kiến số nợ phải trả năm 2014 là 77.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Tuy nhiên, Việt Nam đã đảm bảo trả đủ, kịp thời nợ đến hạn, không làm phát sinh nợ xấu; cơ cấu các khoản nợ vay trong nước tăng góp phần giảm tỷ lệ vay nước ngoài và rủi ro về tỷ giá; điều này cho thấy sự tự chủ của kinh tế trong nước.
Do đó áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, chi phí huy động vốn cao, Bộ trưởng cũng đưa ra 5 phương án với vấn đề nợ công. Đó là: phát hành trái phiếu Chính phủ. Bộ trưởng Tài chính tiết lộ, theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ có kế hoạch bán ra khoảng 145.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2016. Cụ thể, 85.000 tỷ đồng năm 2015 và 60.000 tỷ đồng vào năm 2016. Giai đoạn 2017-2020, Chính phủ dự kiến mỗi năm sẽ phát hành trung bình 50.000 tỷ đồng. Phương án thứ hai là từ khoản vay nước ngoài của Chính phủ (chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi) rồi cho doanh nghiệp trong nước vay lại trên cơ sở hiệp định đã ký từ các nhà tài trợ và dự kiến mức giải ngân vay vốn nước ngoài của Chính phủ khoảng 5 đến 6 tỷ USD/năm, trong đó vay về rồi cho vay lại khoảng từ 1,5 đến 2 tỷ USD/năm; Thứ ba, Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay để thực hiện các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực như dầu khí, điện lực, hàng không… với giá trị bảo lãnh trung bình khoảng từ 3 đến 4 tỷ USD/năm; Thứ tư, Chính phủ tiếp tục cấp khoản đi vay, phát hành trái phiếu trong nước cho các định chế tài chính, chính sách như Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chương trình, dự án trong lĩnh vực đầu tư phát triển, tín dụng chính sách, mức tăng dư nợ bình quân 10%/năm với nhu cầu vay được Chính phủ bảo lãnh khoảng 60.000 đến 70.000 tỷ đồng/năm; thứ năm, vay của chính quyền địa phương (dự tính từ 30.000 đến 45.000 tỷ đồng/năm).
PHÚC THẮNG