Học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) trao đổi nội dung ôn tập trước mùa thi. Ảnh: MINH HUỆ

Còn gần ba tháng nữa mới đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và gần 4 tháng nữa đến đợt thi thứ nhất của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, nhưng sức nóng của hai kỳ thi này đã lan tỏa đến từng gia đình của các thí sinh. Những điểm mới sẽ áp dụng trong hai kỳ thi này là một trong những nội dung mà bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân quan tâm.

Rút kinh nghiệm từ năm trước

Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2009 vừa được tổ chức qua cầu truyền hình tại Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Những yếu kém, khuyết điểm trong mùa thi năm trước đã được các đại biểu “mổ xẻ” để rút kinh nghiệm trong mùa thi năm nay.

Tại hội nghị này, đại đa số các đại biểu đều nhất trí với báo cáo tổng kết công tác thi và tuyển sinh năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời khẳng định sự thành công, tính nghiêm túc của các kỳ thi và tuyển sinh năm 2008. Công tác chuẩn bị cho các kỳ thi và tuyển sinh được triển khai sớm, chu đáo và kỹ lưỡng, bảo đảm các điều kiện cần thiết, do vậy các kỳ thi và tuyển sinh năm 2008 đã được tổ chức đúng kế hoạch, đúng lịch trình; đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong lộ trình đổi mới toàn diện công tác thi và tuyển sinh.

Tuy nhiên, công tác thi và tuyển sinh năm 2008 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Trên phạm vi toàn quốc, vẫn còn hiện tượng tung tin thất thiệt, nhiễu thông tin về đề thi, làm ảnh hưởng tới tâm lý của phụ huynh và học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Quy trình in sao đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) tại một số địa phương, một số cơ sở in sao đề thi tuyển sinh cao đẳng còn chưa chặt chẽ, không đúng quy trình. Gian lận trong thi cử còn xảy ra tại một số địa phương như: Thi hộ tại Hải Phòng, Khánh Hòa và Bắc Giang. Đặc biệt là sự cố cướp đề thi trong buổi thi môn Toán tại Hội đồng coi thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và ở điểm thi đặt tại trường THCS Hoằng Quỳ, tỉnh Thanh Hóa. Cán bộ coi thi chưa làm tròn trách nhiệm, làm việc riêng trong lúc coi thi, để thí sinh sử dụng tài liệu, sử dụng điện thoại di động trong lúc đang thi; hoặc ký tên vào giấy thi và giấy nháp trước khi phát cho thí sinh…

Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành

Đó là khẳng định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong văn bản số 9550/BGDĐT- KTKĐCLGD về việc cấu trúc đề thi và hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2008-2009, chương trình THPT trên toàn quốc có sự thay đổi. Các nhóm đối tượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 khác nhau. Người học lớp 12 THPT, gồm các nhóm đối tượng dưới đây. Học sinh Ban Khoa học Tự nhiên: học 4 môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học theo chương trình nâng cao; các môn còn lại học theo chương trình chuẩn. Học sinh Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn: học 4 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ theo chương trình nâng cao; các môn còn lại học theo chương trình chuẩn. Học sinh Ban Cơ bản, học tất cả các môn theo chương trình chuẩn, học từ 1 đến 3 môn nâng cao; các môn còn lại học theo chương trình chuẩn. Học sinh trường THPT Kỹ thuật: học tất cả các môn theo chương trình chuẩn...

Thí sinh tự do, gồm 3 nhóm đối tượng là thí sinh đã học chương trình THPT không phân ban, thí sinh đã học chương trình THPT phân ban thí điểm và thí sinh đã học chương trình bổ túc THPT.

Nguyên tắc lập cấu trúc đề thi năm 2009 là nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi đáp ứng cho tất cả các đối tượng thí sinh học lớp 12 THPT năm học 2008-2009. Thí sinh tự do phải thi cùng đề thi như thí sinh đang học lớp 12 THPT năm học 2008-2009; thí sinh tự do phải tự cập nhật, bổ sung kiến thức theo các hình thức khác nhau để chuẩn bị cho việc dự thi.

Đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, mỗi môn gồm 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao. Thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao); riêng thí sinh tự do được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Đối với tất cả thí sinh, nếu làm cả hai phần riêng thì cả hai phần riêng đều không được chấm. Đối với các môn Ngoại ngữ: Đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.

Không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần 2

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2009 sẽ có nhiều điểm mới. Trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do thi theo các cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT (hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên), có thể thành lập Hội đồng hỗn hợp 2 trường THPT và 2 trung tâm GDTX, tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi. Mỗi cụm trường thành lập một hội đồng coi thi. Trường hợp đặc biệt, những trường ở vùng xa, vùng cao, hải đảo đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức được 2 trường/1 cụm, các sở giáo dục và đào tạo báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ.

Trong mỗi Hội đồng coi thi, danh sách thí sinh được lập theo 3 ban: Ban Khoa học Tự nhiên, Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ban Cơ bản; trong từng ban, lại xếp lần lượt các Ngoại ngữ; cuối cùng tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c..., sau đó mới xếp lần lượt vào các phòng thi. Những phòng thi cuối cùng có thể được xếp ghép các ban với nhau.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long lưu ý, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, chỉ có thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi. Bộ sẽ huy động giám thị từ các trường đại học, cao đẳng tham gia coi thi. Đặc biệt, sẽ tiến hành đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh để chấm thi: Tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C(những tỉnh có nhiều thí sinh dự thi có thể sẽ chấm thi cho một số tỉnh có ít thí sinh). Bộ GD-ĐT quyết định cụ thể việc đổi chéo bài thi giữa các tỉnh.

Năm nay sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT lần 2.

Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng: Vẫn theo giải pháp “3 chung

Theo văn bản số 469/BGDĐT-GDĐH về phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2009, thì về cơ bản công tác thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” như năm 2008, có một số điểm mới như khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh. Theo đó, đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết. Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.

Một điểm mới nữa là chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng nằm trong tổng chỉ tiêu được phê duyệt. Các trường công bố công khai về chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2009”; chỉ tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng bằng hình thức xét tuyển những thí sinh đã dự thi đại học, cao đẳng theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 4 và 5 tháng 7, thí sinh dự thi đại học đợt 1 (thi khối A và khối V). Ngày 9 và 10-7, thí sinh dự thi đại học đợt 2 (thi khối B, C, D và các khối năng khiếu). Các trường cao đẳng tổ chức thi sẽ thi trong hai ngày 15 và 16-7 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 22-7-2009).

ĐỖ PHÚ THỌ