QĐND Online – Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được tổ chức từ ngày 1 đến hết ngày 4-7-2015 với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh đã kết thúc. Một kỳ thi mang tính bước ngoặt đổi mới thi cử và đã được tổ chức tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì). Kỳ thi nhằm cùng một lúc hai mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét đầu vào đại học. Kỳ thi được Bộ GD-ĐT đánh giá là thành công tốt đẹp.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người tự hỏi vì sao trong số gần 800 thí sinh vi phạm kỷ luật thì đa phần được phát hiện ở cụm thi do các trường đại học chủ trì, còn trong suốt 4 ngày thi, nhiều cụm thi địa phương do sở GD-ĐT chủ trì lại không hề có trường hợp thí sinh nào vi phạm quy chế thi? Phải chăng đây là ngẫu nhiên hay là biểu hiện của việc coi thi chặt ở cụm đại học, buông lỏng ở cụm địa phương? hay thí sinh thi đại học không nghiêm túc bằng thi tốt nghiệp?

Còn nhớ, trong khi dư luận lên tiếng phản đối, đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì cho rằng đây là kỳ thi mang nặng tính hình thức, không nghiêm túc, thì Bộ GD-ĐT lên tiếng không bỏ kỳ thi nào cả và sau đó công bố năm 2015 chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia. Phải thấy rằng, Bộ GD-ĐT đã rất “khéo” khi lồng ghép “2 trong 1” kỳ thi này, kết hợp sự nghiêm túc của kỳ thi ĐH và sự “nhẹ nhàng” của kỳ thi tốt nghiệp. Bằng cách này, vừa “kéo” được các trường đại học vào cuộc (đây là nhân tố tạo sự nghiêm túc của kỳ thi), đồng thời cũng không để các sở GD-ĐT đứng ngoài cuộc, cùng phải có trách nhiệm vào kỳ thi này.

Theo quan sát từ vòng ngoài, kỳ thi diễn ra khá êm ả, nhưng từ các số liệu do các cụm thi gửi về có những cụm thi địa phương hầu như không có thí sinh bị xử lý, mà số thí sinh vi phạm đa số ở các cụm thi lớn do trường đại học xử lý. Phải chăng có sự không nghiêm túc giữa các cụm cụm thi? Đây là băn khoăn rất lớn của xã hội, câu hỏi này không phải chỉ xuất hiện sau khi kỳ thi diễn ra mà đã được đặt ra từ trước kỳ thi.

Đánh giá về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng, tỷ lệ thí sinh vi phạm ở cụm đại học cao hơn là điều dễ hiểu bởi tính cạnh tranh cao hơn và kết quả không chỉ lấy để xét tốt nghiệp như ở cụm thi địa phương mà là cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đồng thời khẳng định, các cụm thi tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì đều có cán bộ giảng viên của các trường đại học và công tác thanh tra thi rải đều ở các loại hình cụm thi nên không có sự phân biệt giữa 2 loại cụm thi.

Sự lý giải này của đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT không phải không có cơ sở, nhưng chưa thực sự thuyết phục. Dư luận vẫn sẽ tiếp tục hoài nghi. Sự thiếu tin tưởng này không phải không có cơ sở khi báo cáo nhanh sau mỗi ngày thi của Bộ về số liệu thí sinh và giám thị vi phạm quy chế vẫn khẳng định không có giám thị nào sai phạm, trong khi Bộ GD-ĐT đã thừa nhận trường hợp đình chỉ 2 giám thị tại cụm thi Trường ĐH Đà Lạt do ký nhầm vào ô giáo viên chấm thi trên giấy thi của thí sinh trong môn thi đầu tiên, dẫn đến việc thí sinh phải thi lại môn Toán trong ngày thi cuối cùng. Bộ GD-ĐT cũng không đưa ra câu trả lời vì sao số liệu báo cáo lại không khớp với thực tế.

Trường hợp, có thí sinh “quên” đi thi môn thứ 4 để xét tốt nghiệp, sau đó được tạo điều kiện cho thi môn khác để xét tốt nghiệp. Đồng ý rằng, đây là việc làm nhân văn, tuy nhiên có ý kiến không đồng tình khi cho rằng đây là một cuộc chơi có sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh. Để đảm bảo sự công bằng bắt buộc mỗi người đều phải tuân thủ “luật chơi”. Không thể vì thí sinh nói quên đi thi mà được nhân nhượng cho thi buổi sau, vậy đối với những thí sinh lỡ đi chậm 15 phút sau thời gian bóc đề, không được vào phòng thi thì sao?

Hay sự cố hy hữu tại điểm thi Trường THPT Yên Định 1 (Thanh Hóa) phát hiện thiếu đề thi trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi, khiến thí sinh chậm gần một giờ làm bài theo kế hoạch để chờ in sao bổ sung đề. Như vậy, có phải hội đồng thi trễ giờ thì có quyền bắt các em chờ, còn các em trễ giờ thì... nghỉ thi?

Một kỳ thi đã khép lại, Bộ GD-ĐT đã khẳng định có nhiều việc làm tốt, mô hình hay cần nhân rộng để công tác chỉ đạo, tổ chức đạt hiệu quả cao; đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận, đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần phải rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong những năm sau. Để làm được việc đó, có lẽ Bộ GD-ĐT nên tăng cường tính minh bạch và sự giám sát của xã hội. Đồng thời mạnh dạn thay thế những quy định cứng nhắc trong việc công nhận tốt nghiệp THPT khi nó đã không còn phù hợp với thực tế, tránh để sự “nương tay” vô tình hay cố ý nào đó khiến xã hội ngờ vực về chất lượng một kỳ thi mang tính quốc gia.

Có thể nhìn nhận, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kỳ thi này sẽ tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bài, ảnh: THU HÀ