Trạng thái bình thường mới đang trở lại với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã chuẩn bị mọi điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, góp phần giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong các tháng cuối năm.

Xuất siêu trở lại trong tháng 9

Dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như, dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn còn diễn biến khó lường khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại; nguy cơ thiếu lao động sản xuất, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử... Song tín hiệu đáng mừng là sau nhiều tháng liên tiếp thâm hụt cán cân thương mại, trong tháng 9 xuất siêu đã quay trở lại, ước xuất siêu 500 triệu USD.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9 cũng là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động xuất khẩu có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong 9 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD).

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội. Ảnh: VĂN THƯƠNG 

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu 9 tháng năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8, tuy nhiên sang tháng 9, mức suy giảm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức thấp hơn. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu vẫn tăng cao. Đây là một trong những yếu tố đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 3 quý đầu năm. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2021, cả nước vẫn có thể xuất siêu

Những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực khi đây là cao điểm các nước tăng cường nhập khẩu để phục vụ cho mùa lễ hội; các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN có sự phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng tốc khi độ bao phủ vaccine cho người lao động đang ngày càng rộng hơn; nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, đặc biệt là ở khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam-khu vực thường đóng góp khoảng 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước sẽ từng bước khôi phục lại sản xuất.

Để nắm bắt cơ hội thị trường, phục hồi sản xuất, nhiều DN đã linh hoạt các kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới để tăng tốc sản xuất, nắm bắt cơ hội thị trường. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi TP Hà Nội thực hiện nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Tổng công ty May 10 đã dồn toàn bộ nguồn lực, linh hoạt kế hoạch sản xuất để kịp đáp ứng đơn hàng đã bị ảnh hưởng tiến độ. Song Tổng công ty May 10 xác định chỉ khi nào công tác phòng dịch được tốt thì mới duy trì được hoạt động. Vì vậy, tại các nhà máy, dây chuyền đều thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó vaccine đóng vai trò then chốt.

Nhận định về cán cân thương mại năm 2021, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sau 9 tháng, cả nước đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, tương đương 0,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Đây là con số không đáng lo, nhất là khi hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm. “3 tháng cuối năm, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, đây là thời điểm các địa phương phía Nam sẽ phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng. Khi đó, hoàn toàn có thể tin tưởng kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng. Còn nếu thuận lợi hơn thì có thể có xuất siêu ở tỷ lệ nhất định", ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

MINH ĐỨC