* Trong ngày cả nước có 188 thí sinh bị kỷ luật
QĐND - Chiều 3-7, sau khi kết thúc ngày thi thứ 3 Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, theo thông báo nhanh của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số lượng thí sinh (TS) tham dự hai môn thi Địa lý và Hóa học đạt tỷ lệ cao; cả nước có 188 trường hợp bị kỷ luật (trong đó thi môn Địa lý có 168 TS, thi môn Hóa học có 20 TS).
Cụ thể, với môn thi Địa lý, trong sáng 3-7, đã có 382.156 TS dự thi trên tổng số 387.631 TS đăng ký, chiếm tỷ lệ 98,59%. Trong phần thi môn Hóa học, chiều 3-7, đã có 451.029 TS dự thi trên tổng số 459.862 TS đăng ký, chiếm tỷ lệ 98,08%. Trong quá trình coi thi ở cả hai môn thi Hóa học và Địa lý, không có cán bộ coi thi nào bị kỷ luật. Cơ bản, ngày thi thứ 3 diễn ra suôn sẻ, đề thi được đánh giá “dễ thở”, phù hợp với năng lực của học sinh.
Theo ghi nhận tại các cụm thi trên cả nước, hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Địa lý, đã có nhiều TS ra khỏi phòng thi với tâm trạng hồ hởi. Các em cho biết, đề thi đề cập đến ý nghĩa của biển, đảo; kinh tế biển đến mạng lưới sông ngòi Việt Nam, biên giới với Trung Quốc… Đa số TS cho rằng, đề thi năm nay vừa sức, không có nhiều bất ngờ, học sinh dễ kiếm điểm 7, điểm 8, trong đó có khoảng 4 điểm nhờ sử dụng kiến thức trong Atlat Địa lý.
 |
Thí sinh dự thi môn Địa lý sáng 3-7. (Ảnh: TTXVN) |
Đối với môn Hóa học, sau 90 phút làm bài, các TS cho biết, đề thi không "đánh đố", thời gian làm bài cũng vừa đủ để kết thúc bài thi trắc nghiệm. Tại điểm thi Đại học Y Hà Nội, TS Nguyễn Thị Ngọc Hương (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Đề thi Hóa năm nay em làm được khoảng 80%, còn lại là những câu hỏi khó”.
Ngày 4-7, TS cả nước bước vào ngày thi cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, TS sẽ dành 180 phút buổi sáng làm bài thi môn Lịch sử, buổi chiều là môn Sinh học với thời gian làm bài 90 phút. (VŨ DUNG)
* Nhiều TS vi phạm quy chế thi trong môn thi xã hội: Sáng 3-7, theo ghi nhận tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có 6 trường hợp bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi. Số TS đến dự thi môn Địa lý đạt 97,7%.
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội), kết thúc buổi thi môn Địa lý cũng có 4 TS vi phạm quy chế. Hội đồng đã xử lý mức kỷ luật đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. Ông Vũ Ngọc Huyên, Trưởng Ban Công tác chính trị-sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Các buổi thi trước, học viện đã xử lý 3 trường hợp (1 bị đình chỉ do mang tài liệu, 1 do mang điện thoại di động và 1 do mang một loại bút không được phép vào phòng thi).
Hội đồng thi ĐH Thủy lợi (Hà Nội), ông Nguyễn Quang Kim, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh cụm thi cho biết, số TS dự thi môn Địa lý là 4.485 TS (98,05%); phòng thi môn Địa lý hôm nay chỉ có 159 phòng, giảm rất nhiều so với môn Ngữ Văn hôm qua (473 phòng).
Tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trong giờ thi Địa lý, một TS bị đình chỉ do bị phát hiện mang điện thoại vào phòng thi. Theo ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Những buổi thi trước, cũng có 3 trường hợp bị đình chỉ môn Văn (1 mang tài liệu, 1 mang điện thoại); 1 trường hợp bị đình chỉ môn Toán (do mang điện thoại). Toàn hội đồng có 4.219 TS đến thi Địa lý, chiếm 98,43%. (HÀ THU)
* Số trường hợp bị đình chỉ thi ở khu vực phía Nam tăng cao: Ngày 3-7, tại TP Hồ Chí Minh, công tác tổ chức thi ở các cụm thi đều diễn ra khá suôn sẻ. Ghi nhận tại các điểm thi, số lượng TS thi môn Địa lý vắng hơn nhiều so với hai ngày trước và nhiều TS đã rời khỏi phòng thi sớm hơn 30 tới 40 phút so với thời gian làm bài theo quy định. Chiều tối 3-7, Văn phòng của Bộ GD-ĐT đã có thông báo sơ bộ về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT tại khu vực phía Nam. Theo đó, tỷ lệ TS dự thi hai môn Hóa học và Địa lý ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đều ở mức cao, từ 95% đến 99% so với mức đăng ký dự thi. Ở môn thi Địa lý, các trường hợp bị đình chỉ tăng cao với 50 trường hợp mang tài liệu, bản đồ, điện thoại di động vào phòng thi... Ở môn thi Hóa học, các điểm thi ở khu vực phía Nam có 1 trường hợp ở điểm thi Trường ĐH Sài Gòn bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. (TRUNG KIÊN)
Nhận xét về đề thi môn Địa lý, Thạc sĩ Trần Thị Hồng Thúy, giáo viên môn Địa lý Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định) cho biết, đề thi vừa sức với trình độ của TS, nội dung các câu hỏi không khó và nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần học sinh ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt hơn 70%. Đề thi bảo đảm được hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét vào ĐH, CĐ. Cụ thể, câu hỏi 1, câu hỏi 2 là những câu hỏi dễ, giúp học sinh gỡ điểm. Đối với câu 3, đề thi đã chỉ rõ cần vẽ loại biểu đồ nào, do vậy, TS chỉ lưu ý dữ liệu là có thể vẽ đúng, giành điểm tối đa. Câu 4 là câu hỏi dạng mở, nhằm kiểm tra tư duy của học sinh đối với những vấn đề kinh tế, xã hội hiện tại. Ví dụ ở ý 2 của câu hỏi 4, có hỏi hãy giải thích tại sao tài nguyên biển, đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước?
TS cần nêu bật được ý bảo đảm an ninh quốc phòng, đồng nghĩa với việc khẳng định chủ quyền biển, đảo, góp phần bảo vệ an ninh của đất nước. Đồng thời, học sinh phải nêu bật được việc phát triển kinh tế biển, đảo nó giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển, đảo; giúp đa dạng hóa cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân…
TRỊNH THU (ghi)
|
Cô giáo Tống Thị Hồng, giáo viên môn Hóa học Trường THPT Bình An, tỉnh Bình Dương nhận định về đề thi môn Hóa học: Đề thi có 50 câu, bám sát nội dung chương trình học, trong đó có khoảng 60% kiến thức dành cho học sinh trung bình, 30% kiến thức dành cho học sinh khá và 10% kiến thức dành cho học sinh giỏi. Đề thi được sắp xếp với độ khó tăng dần, 30 câu hỏi đầu tập trung kiến thức cơ bản, học sinh sẽ không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, những câu sau là những câu hỏi khó, chủ yếu là bài tập nên đòi hỏi TS phải có học lực khá trở lên. Các TS có thể khá dễ dàng đạt được 5-6 điểm, nhưng để đạt được 8 điểm trở lên không đơn giản, điểm tuyệt đối thì rất ít TS.
ĐỒNG SƠN (ghi)
|