QĐND Online - Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, theo đó, quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân sẽ được mở rộng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có một số điểm mới quan trọng để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT đồng nghĩa với việc người dân khi ốm đau đều được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải chịu rủi ro, khó khăn về mặt tài chính trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Nhiều đối tượng được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh
Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.
Theo các chính sách về BHYT hiện hành, Nhà nước đã bảo đảm ngân sách để mua thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1-1-2015, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo cũng được Nhà nước mua thẻ BHYT. Chính phủ đã hỗ trợ tối thiểu 70% mệnh giá thẻ BHYT đối với người cận nghèo, khuyến khích các địa phương sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo tham gia BHYT. Từ 1-1-2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được Quỹ BHYT thanh toán 100%, chứ không phải đồng chi trả 5% như trước đây...
Đáng chú ý, từ ngày 1-1-2015, một số đối tượng như: Lực lượng quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội... khi đi khám, chữa bệnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT tới thời điểm đi khám, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) cũng sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100%. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người thuộc hộ cận nghèo sẽ được Quỹ BHYT chi trả 95%.
Theo Luật mới này, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán.
Đặc biệt, khi mua BHYT theo hộ gia đình, người dân sẽ được giảm trừ mức đóng từ người thứ hai trở đi. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ 2, 3, 4 lần lượt sẽ bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
 |
Người dân sẽ được nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT.
|
Mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT
Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo đó, từ ngày 1-1-2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.
Khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng mức như sau: Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, năm 2015 được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú, từ ngày 1-1-2021 được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Tại bệnh viện tuyến huyện, năm 2015 sẽ được hưởng 70% chi phí khám, chữa bệnh, từ 1-1-2016 được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh.
Điều chỉnh giá viện phí không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo
Về giá dịch vụ y tế, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sửa đổi chính sách viện phí theo nguyên tắc xác định đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh và chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa Nhà nước, xã hội và người bệnh. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế về cơ bản không phải là tăng chi phí mà các khoản trước đây Nhà nước bao cấp, nay phải tính vào giá để chuyển phần ngân sách Nhà nước đang bao cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Khi thực hiện tính đúng, tính đủ, người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Người bệnh có thẻ BHYT được hưởng lợi vì BHYT thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh đối với các giá dịch vụ mà trước đây mức giá thấp, BHYT không thanh toán đủ các chi phí.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, hiện cả nước đã có trên 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gần 3 triệu người cận nghèo đã được Nhà nước mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn tiền khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, khi tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT vì thực tế hiện nay, do giá thấp nên nhiều người không thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT sẽ không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả, nhưng khi điều chỉnh giá, người dân sẽ thấy được lợi ích của BHYT là hằng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro.
NGUYỄN THẢO