Rủi ro từ "phân bón trả chậm"

Rất nhiều nông dân khi được hỏi sử dụng loại phân bón gì, xuất xứ ở đâu thì đều trả lời “không biết” hoặc “không để ý”. Bà Hoàng Thị Điểm, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên, Nghệ An) nói: “Nông dân chúng tôi với hiểu biết hạn hẹp về các thành phần phân bón, làm sao phân biệt được thật giả, tốt xấu. Khi đến mùa vụ, chúng tôi nhận phân bón qua các đại lý, hộ nông dân hoặc hợp tác xã bằng hình thức trả chậm hoặc trả bằng nông sản".

Hình thức “bán phân bón trả chậm” cho nông dân là một trong những hoạt động chia sẻ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các cơ sở sản xuất đưa phân bón kém chất lượng ra thị trường, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân với vai trò là thành phần trung gian. Người nông dân hoàn toàn bị động khi có nhu cầu sử dụng phân bón mà không có cơ hội lựa chọn sản phẩm. Do vậy, họ không thể biết được chất lượng phân bón mà mình sử dụng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Nghệ An khảo sát chất lượng phân bón.

Thực tế, các chủng loại phân bón tiêu thụ theo hình thức trả chậm ít khi được cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu thử nghiệm. Vì vậy, chất lượng của từng chủng loại chưa được “điểm mặt chỉ tên” để người nông dân nhận biết. Thực tế, việc sử dụng phân bón kém chất lượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây trồng; đồng thời chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường… Nếu năng suất cây trồng thấp, người nông dân thường "đổ lỗi" cho sâu bệnh, nguồn nước, giống, thời tiết… mà ít để ý đến nguyên nhân từ phân bón. Chính điều này lý giải vì sao hầu như người dân không có ý kiến phản ánh về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Từ khi tiếp nhận quản lý lĩnh vực phân bón (tháng 9-2017), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An đã tiến hành 4 đợt thanh tra, kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Qua đó, đã phát hiện 12 cơ sở vi phạm về điều kiện tiêu chuẩn và phân bón kém chất lượng. Tháng 8-2018, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành thanh tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất và 7 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn. Đoàn tiến hành lấy 14 mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng. Kết quả, 6/14 mẫu vi phạm chất lượng. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt và buộc thu hồi 35 tấn phân bón kém chất lượng.

 Những kẽ hở trong quy định hiện hành

Trước ngày 20-9-2017, công tác quản lý phân bón thuộc hai bộ: Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác; Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ. Kể từ ngày 20-9-2017 đến nay, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, toàn bộ công tác quản lý phân bón được giao cho Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An: Nghị định số 108/2017/NĐ-CP có một số quy định còn kẽ hở trong quản lý để nhiều đối tượng lợi dụng. Cụ thể, tiêu chuẩn chất lượng phân bón mới chỉ quy định về giới hạn dưới mà chưa có giới hạn trên; quy định đặt tên và nhãn phân bón còn chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng; thời gian đổi tên, nhãn mác phân bón vi phạm còn quá dài, từ 12 đến 36 tháng; cơ quan chức năng muốn thử nghiệm phân bón ngoại tỉnh phải có phòng thực nghiệm do Bộ NN&PTNT chỉ định, trong khi tại Nghệ An vẫn chưa xây dựng được.

Lĩnh vực phân bón rất phức tạp với số loại sản phẩm lớn, nhà máy sản xuất, các đại lý kinh doanh nhiều, trong khi cơ chế quản lý còn khó khăn nên dù phân bón giả, kém chất lượng hiện hữu nhưng để kiểm soát và xử lý không phải là điều đơn giản. Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết: “Thẩm quyền Sở NN&PTNT đối với vai trò, chức năng quản lý thị trường còn hạn chế, dẫn đến việc yêu cầu xuất trình hóa đơn, nguồn gốc kết hợp các thông tin về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để tiến hành xử phạt rất khó khăn, cần sự phối hợp của các ngành. Mặt khác, hiện nay, theo quy định, cán bộ kiểm tra phân bón phải có chứng chỉ, ngành nông nghiệp mới tiếp nhận nên chưa thể bắt kịp để đáp ứng yêu cầu”.

Từ thực tế trên, để ngăn chặn được các chủng loại phân bón giả, kém chất lượng, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý. Bên cạnh việc kiểm soát các cơ sở sản xuất và hệ thống đại lý phân phối, phải tập trung ưu tiên thanh tra, lấy mẫu thử nghiệm chất lượng đối với từng chủng loại phân bón. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác quản lý, tăng cường thông tin tuyên truyền để người nông dân có những hiểu biết cần thiết về phân bón. Có như vậy, vấn nạn về phân bón giả, phân bón kém chất lượng mới mong được ngăn chặn và đẩy lùi. 

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ