QĐND - Chủ đề Ngày Dân số Thế giới (11-7) năm 2015 là “Hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ tổn thương trong thiên tai”. Đặt trong hoàn cảnh nước Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ và những bất thường của thời tiết thì chủ đề này hết sức thiết thực và đầy tính nhân văn.

Phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương

Mới đây, tại Hội thảo "Báo chí với công tác truyền thông dân số, hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11-7" do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, cho chúng tôi biết: Trận động đất kinh hoàng xảy ra cuối tháng 4 tại đất nước Nepal đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người, hàng nghìn người bị thương; phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và các di sản văn hóa hết sức giá trị. Nhưng những người phải chịu tác động nặng nề nhất của trận động đất này là phụ nữ và trẻ em. Có thể thiếu ăn, thiếu mặc nhưng đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái thì vấn đề vệ sinh cá nhân lại được đặt ra hết sức cấp thiết. Khi đó, mọi thứ đều thiếu thốn, đặc biệt là thiếu nước sạch, do vậy phụ nữ và trẻ em gái luôn đứng trước nguy cơ bị mắc bệnh phụ khoa. Trước hoàn cảnh này, ông Bernard Coquelin, một điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) đã nghĩ ra bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ và trẻ em gái Nepal. Bộ đồ này bao gồm băng vệ sinh làm bằng chất liệu có thể tái sử dụng, quần áo, khăn tắm, xà phòng, bàn chải đánh răng và kem đánh răng. Bộ đồ này có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu để họ duy trì cuộc sống và bảo đảm chăm sóc vệ sinh cá nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khám, tư vấn cho bà mẹ và trẻ em ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

 

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hằng năm trên thế giới, những đối tượng như phụ nữ, trẻ em và thanh, thiếu niên... chiếm hơn 3/4 trong tổng số hơn 50 triệu người phải di chuyển khỏi nơi mình đang cư trú do những nguyên nhân như xung đột vũ trang và thiên tai. Trong đó, ước tính có khoảng 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị ảnh hưởng do thiên tai, 126.000 phụ nữ mang thai có nhu cầu cấp thiết trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở y tế bị quá tải, nhiều nơi bị hư hỏng hoặc bị phá hủy hoàn toàn, thiếu thốn các thiết bị y tế vẫn xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ, thông điệp toàn cầu để hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm nay tập trung vào việc bảo đảm phẩm giá, sự an toàn và sức khỏe sinh sản cho mọi phụ nữ và trẻ em gái, bởi cuộc sống của một người phụ nữ luôn quý giá trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Bởi vậy, khi thiên tai xảy ra, chúng ta cần chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái sẽ trở nên an toàn hơn, họ sẽ được mạnh khỏe hơn.

Nhiều hành động thiết thực

Việt Nam đang bước vào mùa mưa bão và cũng là một đất nước phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ của sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Cũng vì lý do đó, lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ quyết tâm sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường bảo đảm dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của toàn ngành, bảo đảm việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ sức khỏe sinh sản-KHHGĐ trước, trong và sau thiên tai, nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai. Một bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện là khuyến khích sự tham gia của thanh, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Việt Nam mặc dù chưa thể có được một bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ và trẻ em gái trong mùa mưa bão, nhưng sẽ cố gắng bảo đảm đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho họ khi bắt đầu xảy ra các tình huống khẩn cấp.

Để giải quyết vấn đề này, ngành dân số sẽ tập trung tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai để qua đó tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó. Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành… Tất cả những công việc đó chỉ một mục đích để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân dễ tổn thương trong thiên tai, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Bài, ảnh: THU HƯƠNG