QĐND Online – Sáng 22-4 tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Hành vi mua của người Việt Nam đối với hàng nội, hàng ngoại trong thời đại toàn cầu hóa” với sự tham gia của đại diện: Bộ Công Thương; Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội; Đại học Hải Phòng…

Hành vi mua của người Việt Nam đối với hàng nội, hàng ngoại đang trở thành chủ đề nóng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với các quốc gia Việt Nam. Trong nhiều ngành hàng quan trọng, hàng ngoại nhập hoặc các thương hiệu nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Người dân Việt Nam vẫn còn tâm lý chuộng hàng ngoại nhập khẩu cho dù giá cao hơn nhiều so với hàng nội cùng chủng loại và chất lượng.

Hàng ngoại vẫn được ưa chuộng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sau khi gia nhập WTO và hàng loạt các hiệp định song phương và đa phương, thị trường Việt Nam đã và đang xuất hiện hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam có thể mua và tiêu dùng hàng hóa từ mọi quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài, hàng sản xuất trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu trên sân nhà.

PGS. TS. Trương Đình Chiến, Trưởng khoa Marketing Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phát biểu tại buổi hội thảo.

Tại buổi hội thảo, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, hệ thống doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nỗ lực thuyết phục người tiêu dùng mua hàng nội và tỷ trọng hàng nội ngày càng tăng trên thị trường. Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, các chương trình bình ổn giá đã được Đảng và Nhà nước phát động và được nhiều tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp tham gia, hưởng ứng tích cực. Kết quả đạt được rất đáng trân trọng, đó là những xu hướng như tẩy chay hàng giá rẻ, chất lượng kém và độc hại, hoặc một số hàng nước ngoài phải “núp bóng” thương hiệu Việt để bán trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, đó là hàng ngoại nhập và các thương hiệu nước ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều ngành quan trọng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng bị “hấp dẫn” bởi hàng ngoại. Cụ thể đó là chất lượng, mẫu mã của sản phẩm ngoại rất bắt mắt.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng bộ môn Marketing Trường Đại học Ngoại Thương đánh giá, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn rất ưa chuộng hàng ngoại. Hành vi đó phụ thuộc vào yếu tố nội tại và yếu tố môi trường bên ngoài. Các mặt hàng ngoại đa phần có thiết kế mẫu mã đẹp mắt và một phần vì tâm lý của người tiêu dùng rất tin tưởng vào chất lượng của hàng ngoại mà vẫn e dè đối với hàng Việt Nam. Mặc dù nhiều hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá rẻ hơn hàng của Nhật Bản, Anh, Mỹ rất nhiều nhưng người Việt vẫn không tiếc tiền đầu tư mua các sản phẩm này, vì họ tin tưởng vào chất lượng và thương hiệu của các nhãn hàng này.

Đảm bảo môi trường cạnh tranh

Làm thế nào để thay đổi được hành vi mua và tiêu dùng từ chuộng hàng ngoại sang ưu tiên dùng hàng nội của người Việt Nam? Làm sao để người dân có trách nhiệm với dân tộc và thể hiện lòng yêu nước bằng hành vi mua hàng nội?... là những câu hỏi cấp bách cần phải trả lời nhằm tạo lập, đẩy mạnh hành vi mua và tiêu dùng hàng nội của người Việt Nam. Để giải đáp vấn đề này, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, nhà kinh doanh Việt Nam cần nghiên cứu để hiểu biết đầy đủ các yếu tố liên quan đến hành vi mua hàng nội của dân cư để phát triển các chiến lược, chương trình marketing hiệu quả nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Ảnh minh họa/mattran.org.vn

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, để hàng nội địa ngày càng được người dân tin tưởng và sử dụng, nhà nước cần phải đảm bảo môi trường cạnh tranh. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền ủng hộ hàng Việt trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững cho các doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, các nhà quản trị cần tăng chi tiêu cho hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm, xây dựng thương hiệu và hình ảnh công ty tạo bản sắc riêng. Từ đó tác động hình thành thói quen ưu tiên lựa chọn hàng Việt, nên tránh quan điểm kinh doanh theo lối “hữu xạ tự nhiên hương”. Bên cạnh đó, nghiên cứu hành vi, thói quen tiêu dùng cũng cần được ưu tiên trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng bộ môn Marketing Đại học Ngoại thương, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang thâu tóm các công ty phân phối của Việt Nam; nên bà cho rằng “nếu hỗ trợ được các doanh nghiệp Việt Nam vào các kênh phân phối của Việt Nam sẽ đẩy mạnh thị trường hàng hóa nội địa hơn”. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần dân tộc trong việc lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, cởi mở trong việc đánh giá, lựa chọn và thẩm định chất lượng đối với hàng Việt Nam, loại bỏ tâm lý sính ngoại, có như vậy mới đánh giá đúng chất lượng hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập.

Bài, ảnh: HÀ MY