QĐND - Cô bạn cùng cơ quan tôi kể rằng, mới đây, khi đưa con gái (vừa học hết lớp 1) từ Hà Nội về thăm quê ngoại ở Thái Bình, không biết cháu nhặt ở đâu được một bông lúa, với sự hồn nhiên con trẻ, cháu mang về hỏi bạn tôi: “Mẹ ơi, đây là chùm quả gì vậy?". Nghe con hỏi, bạn tôi cười giải thích: “Đó là bông lúa, chứ không phải “chùm quả” con nhé! Và không ai gọi là “quả lúa” mà phải gọi là hạt thóc. Hạt thóc sau khi đem xát thành gạo, đem nấu thành cơm mà hằng ngày con vẫn ăn đó”. Bạn tôi nói, tuy buồn cười về sự ngộ nghĩnh trẻ thơ nhưng sau đó cũng xen chút nghĩ suy!
Chuyện “nghĩ suy” về câu hỏi vô tư của con trẻ nói trên có lẽ cũng là vấn đề chung của nhiều bậc phụ huynh, trong đó có tôi. Hai đứa con tôi, dù chưa phải được sống trong nhung lụa, nhưng so với các bạn ở nông thôn, các bạn ở vùng núi... thì quả thực hạnh phúc hơn rất nhiều lần. Có thời gian rảnh rỗi, các cháu còn được rèn luyện thể chất qua việc đạp xe, đánh cầu, học bơi, chơi “ai-pát”... trong khi nhiều bạn nhỏ ở nông thôn còn phải phụ giúp bố mẹ để kiếm sống. Thế nhưng, rất nhiều đứa trẻ ở thành phố lại không biết những kiến thức sơ đẳng ở nông thôn như thế nào là cái nơm, cái dậm, cối xay lúa, chày giã cua, con nghé, con bê… Hiện nay, một số trường tiểu học, trung học cơ sở ở Hà Nội đã có nhiều hình thức tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh như tham quan, dã ngoại ở các điểm di tích lịch sử, văn hóa, phong cảnh thiên nhiên... Đó là những hoạt động bổ ích, có thể giúp các em học sinh hoàn thiện phần nào kỹ năng sống. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các hoạt động ngoại khóa nên thiết thực và hữu ích hơn. Chẳng hạn như có thể cho các con đi khám phá vùng quê nào đó và gắn với hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các bạn nhỏ còn khó khăn tại một số trường. Việc chứng kiến tận mắt điều kiện và nỗ lực của các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, đi kèm với những bài học đạo đức về sự đồng cảm, sẻ chia, gắn kết... của các cô giáo, hơn bao giờ hết sẽ là những bài học đạo đức quý giá đối với các con.
Để có quỹ thăm hỏi, tặng quà, có thể huy động từ phụ huynh hay kết hợp với các tổ chức thiện nguyện. Tôi rất tâm đắc và ủng hộ hoạt động giống như “Kế hoạch nhỏ”. Từ những việc nhỏ như nhặt giấy vụn, giấy thừa, túi ni-lông, đồ nhựa hỏng… để tích trữ lại, đem bán cũng thành một khoản nho nhỏ để các con đóng góp vào quỹ giúp đỡ các bạn khó khăn. Quan trọng hơn, qua đó để rèn cho các con có ý thức tiết kiệm, nền nếp, giữ gìn vệ sinh. Những hoạt động ngoại khóa “về quê” hẳn sẽ vừa vui, vừa bổ ích. Đó thực sự là “học mà chơi, chơi mà học”, tạo điều kiện để các con đóng góp công sức nhỏ bé của mình giúp đỡ các bạn còn khó khăn; đồng thời cũng hiểu thêm về đời sống, môi trường nông thôn; những đồ dùng, vật dụng, công cụ lao động của người nông dân; những sản phẩm nông nghiệp trên cánh đồng như hạt thóc, củ lạc, củ khoai, con tôm, con tép… Như thế sẽ rất ý nghĩa đối với học sinh thành phố.
HIỀN NINH