Xuất nhiều, lợi nhuận chưa nhiều
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng hạt điều xuất khẩu năm 2017 đạt 353 nghìn tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,52 tỷ USD. Giá nhân hạt điều xuất khẩu bình quân năm 2017 đạt 9.926,3 USD/tấn, tăng 22,3% so với năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 35%, 15,6% và 12,9% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Nga (tăng 56,3%), Hà Lan (tăng 44,7%), Thái Lan (tăng 41,4%)...
Sau hơn ba thập kỷ phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, chế biến đứng thứ 2 và đứng thứ 3 thế giới về năng suất. Năng suất điều của thế giới trung bình chỉ đạt 0,7 tấn/ha, Việt Nam đạt khoảng 1,2 tấn/ha (ngoài ra Việt Nam có những giống điều trồng thâm canh, điều ghép cho năng suất hơn 2 tấn/ha).
Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng ngại cho ngành điều. Tuy vẫn là quốc gia hàng đầu về trồng, chế biến, xuất khẩu hạt điều nhưng sản lượng liên tiếp giảm trong những năm gần đây, thu nhập của người trồng điều không cao, giá trị gia tăng thấp do sản phẩm chủ yếu chế biến thô, diện tích điều bị thoái hóa ngày một tăng… Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện tổng diện tích điều của Việt Nam là 297.500ha (trước đây diện tích trồng điều 440.000ha); năng suất đạt 7,4 tạ/ha, giảm 3,6 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 210,9 nghìn tấn, giảm 94,4 nghìn tấn (-30,9%) so năm 2016. Diện tích cây điều tại Việt Nam liên tục giảm từ năm 2009 đến nay.
Hiện sản lượng điều thô sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 15%-17% nhu cầu chế biến của hơn 300 doanh nghiệp. Do đó, để duy trì sản xuất, chế biến, Việt Nam phải tăng dần lượng nhập khẩu điều từ các nước: Cam-pu-chia, Ấn Độ, Tây Phi, Bờ Biển Ngà… Khối lượng hạt điều nhập khẩu năm 2017 đạt 1,28 triệu tấn và 2,53 tỷ USD, tăng 23% về khối lượng và tăng 52,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Việc ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu điều thô từ nước ngoài cũng đặt ra cho doanh nghiệp chế biến không ít khó khăn, thách thức, nếu không muốn nói là rủi ro về chất lượng, thời gian vận chuyển.
Chuyên gia phân tích thị trường Lê Văn Liền cho hay: Mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, thế nhưng ngành điều Việt Nam chủ yếu khâu chế biến thô, xuất khẩu sản phẩm nhân điều thô. Phần lợi cho chế biến thô chỉ chiếm 18% chuỗi giá trị của hạt điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%.
Diện tích, năng suất điều sụt giảm - vì sao?
Cây điều bị giảm diện tích là do năng suất sụt giảm, tác động không nhỏ tới đời sống của người trồng điều. Tình trạng này khiến không ít nông dân không còn “mặn mà’’ với cây điều, thậm chí có người chặt bỏ toàn bộ vườn điều, chuyển sang cây trồng khác. Nguyên nhân điều sụt giảm năng suất là do một số diện tích trồng điều lâu năm, điều đã già cỗi; bên cạnh đó cây điều trước đây chủ yếu được trồng bằng hạt.
Nguyên nhân thứ hai khiến điều bị sụt giảm năng suất là do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường. Vụ điều năm 2017, do mưa nhiều tại “thủ phủ” điều Bình Phước khiến năng suất bị sụt giảm 50%, sản lượng điều cả nước sụt giảm mạnh so với năm 2016. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích cây điều già cỗi, năng suất thấp ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên cần được tái canh khoảng 80.000ha.
Để cây điều phát triển bền vững
Để cây điều phát triển bền vững, vấn đề trước mắt cũng như lâu dài phải tái canh, thay thế diện tích điều già cỗi, đưa những giống điều mới trồng để tăng suất năng suất, chất lượng. GS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, đề xuất: Mục tiêu đến năm 2020, nước ta cần tái canh và ghép cải tạo 60.000ha điều. Tuy nhiên, hầu hết vùng trồng điều là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Trong ba đến bốn năm chờ cây mới phát triển, họ không thể tự chủ kinh tế để trang trải sinh hoạt tối thiểu. Do đó, cần phải có chương trình hỗ trợ tái canh cây điều, giống như chúng ta đã làm với cây cà phê thì mới đảm bảo thành công.
Tiến sĩ Trần Công Khanh (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nhận xét: Năng suất điều của Việt Nam nằm trong top đầu thế giới, công nghệ chế biến điều (chế biến thô) rất mạnh, thế nhưng chế biến sâu vẫn còn chưa tốt, chưa được chú trọng. Do đó, Chính phủ, Bộ NN&PTNT nên quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu. Nhân điều sơ chế chỉ xuất khẩu hơn 10USD/kg, chế biến sâu có thể bán tới 20-25USD/kg.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiện nay, sản phẩm điều chế biến sâu xuất khẩu của chúng ta mới chỉ đạt 15-20% và gần như quá nửa trong số đó là gia công cho các nước khác, không có thương hiệu trên thị trường. Do đó, nếu không muốn tụt hậu, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến sâu thì hạt điều Việt mới có thương hiệu bền vững, không chỉ cạnh tranh tốt trên thị trường mà còn góp phần gia tăng giá trị cho ngành điều Việt Nam.
NGUYỄN KIỂM