QĐND Online – Chiều 23-5, Chính phủ đã trình trước Quốc hội dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Dự án luật được xây dựng với mục đích, tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa những quy định dưới luật đã ban hành có liên quan đang thực hiện ổn định và có hiệu quả, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN)…
Những đóng góp tích cực của DNNN
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý vốn, tài sản của DNNN cơ bản đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng vốn, tài sản của DNNN để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. DNNN đã từng bước thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
 |
Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ảnh: http://www.tapchitaichinh.vn
|
Các quy định pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của nhà nước, tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho DNNN thực hiện vai trò chủ đạo trong cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích cho xã hội, đầu tư vào các vùng - địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, bảo đảm phát triển cân đối vùng miền và an ninh kinh tế quốc gia, cũng như tập trung đầu tư ở một số lĩnh vực trọng điểm quốc gia như: Năng lượng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ viễn thông. DNNN cũng đã tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn người lao động, có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên 921.000 tỷ đồng năm 2012, tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty. Phần lớn DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005, giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã đạt được trên 6.000 doanh nghiệp. Tái cơ cấu DNNN bước đầu đã có một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan đang đặt ra sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp
Dự án Luật bao gồm 7 Chương, 63 Điều. Để đảm bảo mục tiêu đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước, thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của đại diện chủ sở hữu nhà nước và đồng thời để doanh nghiệp được quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án Luật quy định một số hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng thẩm quyền; can thiệp, giám sát, kiểm tra thanh tra, tiết lộ thông tin về doanh nghiệp không đúng quy định. Dự án Luật cũng quy định hành vi bị cấm khi thực hiện không đúng quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp và quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Về đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, Dự án Luật quy định hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Các dự án lớn hơn do cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp xem xét phê duyệt. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định. Dự án Luật cũng quy định người quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua tài sản cố định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu dự án đầu tư, xây dựng, mua tài sản cố định không phù hợp, lạc hậu kỹ thuật, không sử dụng được, sử dụng không hiệu quả.
Về đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp: Để tránh việc đầu tư dàn trải, phù hợp với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự án Luật quy định việc sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Dự án Luật quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
XUÂN DŨNG