QĐND - Sức cạnh tranh thấp, giá thành cao là những yếu kém của ngành sản xuất mía đường Việt Nam từ lâu nay. Vậy ngành mía đường sẽ làm gì để “sống” khi tham gia hội nhập toàn cầu mà những hàng rào bảo hộ, ưu đãi cho ngành sẽ buộc phải gỡ bỏ dần theo các cam kết đối với những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết?
Mía đường Việt Nam yếu từ trồng trọt đến chế biến
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá mía nguyên liệu chiếm từ 70-80% giá thành sản xuất đường. Cụ thể, giá mía nguyên liệu tại Thái Lan ở mức 30-35USD/tấn (khoảng 600-700 đồng/kg), trong khi đó, giá mía nguyên liệu ở Việt Nam từ 800.000-1.000.000 đồng/tấn (800-1.000 đồng/kg). Như vậy, giá mía nguyên liệu Việt Nam đã cao hơn Thái Lan 200.000-300.000 đồng/tấn. Nguyên nhân chủ yếu của điều này là do giống mía ở Việt Nam chủ yếu là giống cũ, có trữ đường thấp (lượng đường thấp).
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thẳng thắn nhận xét: Năng suất, chất lượng, trữ đường của mía Việt Nam vẫn còn thấp (5 tấn đường/ha, trong đó mức trung bình ở các nước trên thế giới là 6,8 tấn đường/ha). Phương thức thu mua mía (mua sô) không khuyến khích được người trồng mía; thu hoạch thủ công, ít đưa cơ giới hóa vào sản xuất (chậm một ngày đưa mía nguyên liệu đã thu hoạch vào sản xuất, mía sẽ giảm 10% trữ đường). Thêm vào đó, do giống mía chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn sử dụng nhiều giống mía cũ nên năng suất và trữ đường đều thấp.
Một yếu kém khác của ngành mía đường Việt Nam phải kể đến là công nghệ, trình độ chế biến, sản xuất của các nhà máy chế biến. Hiện nay, 2/3 tổng công suất các nhà máy ở mức trung bình (chỉ 1/3 tổng công suất các nhà máy là có công nghệ hiện đại), thậm chí ở mức lạc hậu do sử dụng thiết bị cũ, nhỏ càng khiến giá thành sản xuất đường ở Việt Nam luôn cao "ngất ngưởng" so với các nước.
 |
Vận chuyển mía nguyên liệu tại tỉnh Hậu Giang.
|
Làm gì để cạnh tranh trên "sân chơi" hội nhập?
Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), phát biểu: Công cụ bảo hộ chủ yếu thực hiện bằng các hàng rào thuế quan và hạn ngạch thuế quan (hạn ngạch nhập khẩu). Riêng đối với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước thành viên đang dần tiến đến việc thực hiện nghĩa vụ của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo đó, đến năm 2018, các nước thành viên phải cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn đối với hầu hết các mặt hàng, trong đó có mặt hàng đường. Việt Nam phải thực hiện cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường trong ASEAN vào năm 2018. Khi thực hiện cam kết này, việc nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng và thuế nhập khẩu là thuế suất cam kết theo ATIGA ở mức 5%. Đồng thời, các hiệp định về khu vực tự do thương mại mà Việt Nam đã và đang đàm phán cũng yêu cầu mức độ mở cửa thị trường cao hơn.
Hiện nay, sản phẩm đường của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và chưa vươn ra được thị trường thế giới do khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu đường lớn khác về chất lượng và giá.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Mở cửa thị trường là thách thức lớn đối với ngành mía đường Việt Nam. Để thành công, ngành mía đường phải nâng cao khả năng cạnh tranh không chỉ ở trồng trọt mà phải cả ở khâu chế biến. Đồng thời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu Cục Trồng trọt sớm rà soát và công bố quy trình sản xuất mía để phổ biến, nhân rộng cho nông dân. Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu công nghệ tưới mía cho từng vùng cụ thể. Cùng với đó, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối phải công bố quy trình cơ giới hóa, giảm đến mức tối đa tổn thất sau thu hoạch trên cây mía.
Thách thức lớn nhất với ngành đường là từ năm 2018, Việt Nam phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường từ ASEAN, đường nhập khẩu Thái Lan sẽ cạnh tranh và có ảnh hưởng nhất định đến đường sản xuất trong nước. Như vậy, việc Việt Nam gia nhập “sân chơi” hội nhập sẽ đòi hỏi ngành mía đường phải có sự chuẩn bị bài bản và quyết tâm lớn, nhằm nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất mía giống, tăng sản lượng đường đến việc hạ giá thành sản phẩm đường mới để có thể cạnh tranh vững vàng hơn trong hội nhập.
Bên cạnh việc khắc phục những yếu kém tồn tại, để tận dụng cơ hội mở cửa, hội nhập từ việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do đã và sắp ký, ngành mía đường cần có cuộc “cách mạng” về sản xuất, chế biến và chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi” ngay trên chính “sân nhà” và cả “sân chơi” quốc tế.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM