QĐND - Cứ vào tháng tư, khi hoa nhãn bắt đầu rộ, hương tỏa dịu nhẹ, các hộ nuôi ong ở Hưng Yên lại bắt đầu một mùa thu hoạch mật. Thứ mật ong đặc trưng của hoa nhãn có màu vàng óng, hơi nhạt. Trong cái nắng nhẹ đầu mùa, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Thọ (Đội 9, xã Liên Phương, TP Hưng Yên), một gia đình với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi ong.
 |
Lấy cầu ong để quay mật ở xã Liên Phương, TP Hưng Yên.
|
Hiện gia đình ông Thọ có 90 đàn ong nội, ông cho biết: “Vào mùa hoa nhãn, nếu thời tiết đẹp thì 2 đến 3 ngày sẽ quay mật một lần, nếu mưa thì 4 đến 5 ngày mới được một vòng. Mỗi đàn ong được chia thành 3-5 cầu ong, đặt cách mặt đất khoảng 30cm. Cửa tổ hướng về phía Nam để tổ được thoáng và tránh nắng”. Với sản lượng trung bình từ 70 đến 120kg mỗi vòng quay mật, việc nuôi ong giúp gia đình ông Thọ có thu nhập ổn định từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm, tận dụng được nguồn phấn hoa tự nhiên. Tính cả vụ hoa nhãn sẽ quay được 5-7 vòng tùy thời tiết, thu được hơn 1 tấn mật. Cũng theo ông Thọ, năm nay hoa ủ lâu, khi nắng lên hoa bung nhanh nên cũng nhanh tàn, vì vậy sản lượng mật chỉ tương đương mọi năm, tuy nhiên chất lượng mật có tăng. Sau khi hết mùa hoa nhãn, ông sẽ di chuyển đàn ong lên Hòa Bình lấy mật hoa keo, dâu da,… Bà Lê Mai, một khách hàng quen thuộc của ông Thọ cho biết: “Như mọi năm, tôi vẫn mua 50kg mật cho gia đình và họ hàng. Vì là mật ong hoa nhãn nguyên chất, được quan sát từ khi mật được lấy từ cầu ong cho đến lúc quay nên chất lượng mật rất bảo đảm, không lo bị pha lẫn nước đường hay mật không rõ nguồn gốc”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Tãi, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ, thuộc Hội làm vườn và nuôi ong tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Hiện toàn tỉnh có hơn 10 nghìn đàn ong của hơn 200 hội viên. Với sản lượng khoảng 100 tấn/năm, giá bán khoảng 70-100 nghìn đồng/kg tùy theo loại ong, tổng thu của mỗi đợt lấy mật ong hoa nhãn lên đến hơn 8 tỷ đồng. Hiện tại, ong lấy mật ở tỉnh có hai loại, ong nội địa và ong I-ta-li-a. Ong I-ta-li-a cho sản lượng mật cao hơn, tuy nhiên chất lượng mật và sức đề kháng của ong không bằng của ong nội. Ông Tãi cũng dự đoán năm nay sản lượng mật ong hoa nhãn có thể lên đến 120 tấn do hoa nhãn nhiều, thời tiết thuận lợi. Cây nhãn tập trung nhiều ở phía nam thành phố Hưng Yên, huyện Phù Cừ, Khoái Châu nên các hộ nuôi ong cũng chủ yếu phát triển nghề ở những địa phương đó. Lượng mật thu được mỗi năm được tiêu thụ trong tỉnh chiếm phần lớn, ngoài ra còn xuất sang các tỉnh bạn và Trung Quốc qua đường tiểu ngạch”.
Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, mặc dù mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao, có tiếng trong nước nhưng cho đến nay vẫn chưa có thương hiệu riêng cho loại hàng hóa này. Các hộ nuôi ong vẫn thu hoạch và tiêu thụ nhỏ lẻ tại nhà, chưa có dự án, chính sách hỗ trợ nào để phát triển nghề. Các hộ nuôi ong cũng như Hội làm vườn và nuôi ong Hưng Yên mong nhận được sự quan tâm hơn từ phía chính quyền và các cấp quản lý, để mật ong hoa nhãn sớm trở thành một thương hiệu, một dấu ấn đặc trưng của tỉnh.
Bài và ảnh: THU TRANG