Ngưỡng thu nhập chịu thuế không còn phù hợp
Tính từ khi Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng hơn 25,17% và cần phải điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 Luật Thuế TNCN (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Thế nhưng đến nay, ngưỡng thu nhập chịu thuế vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó, ngưỡng chịu thuế cũng đã lỗi thời so với lương tối thiểu. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019: Lương tối thiểu vùng I tăng lên 4,18 triệu đồng/tháng; vùng II là 3,71 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,25 triệu đồng/tháng và vùng IV là 2,92 triệu đồng/tháng. Lấy mốc năm 2013 là năm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thì mức lương tối thiểu hiện nay đã tăng 76% đến 80%.
Cũng mốc thời gian năm 2013, nếu so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thì ngưỡng thuế TNCN càng trở nên lạc hậu. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 1.960USD, nhưng đến năm 2018 lên tương đương 2.587USD, tăng 627USD, tương ứng 32%.
CPI tăng, lương tối thiểu tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên dẫn đến tiền lương danh nghĩa của các đối tượng chịu thuế mặc dù tăng nhưng tiền lương thực tế của họ bị giảm sút nghiêm trọng. Ngoài ra, qua việc này cho thấy, quy định khi mức tăng lạm phát hơn 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh là thiếu thực tế và thiết nghĩ phải sửa đổi, thay thế bằng những quy định mang tính ổn định lâu dài hơn. Luật không nên đưa ra con số tuyệt đối để ngay khi vừa ban hành đã trở nên lạc hậu.
Bất cập về quy định giảm trừ gia cảnh
Quy định giảm trừ gia cảnh của chính sách thuế TNCN hiện hành mới chỉ áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công, còn cá nhân có các loại thu nhập khác không được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Điều này làm nảy sinh sự bất bình đẳng khi có thu nhập chịu thuế được giảm trừ gia cảnh, có thu nhập chịu thuế không được giảm trừ gia cảnh.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối tượng giảm trừ được xác định là người phụ thuộc, bao gồm 3 nhóm cơ bản: Con, vợ/chồng, bố/mẹ và các cá nhân khác không nơi nương tựa. Trong đó, nhóm đối tượng người phụ thuộc là con đang học đại học, trung học chuyên nghiệp… không giới hạn tuổi. Như vậy, nếu con đã lập gia đình và đang ở cùng hoặc không ở cùng bố mẹ, đồng thời vẫn đang đi học như các trường hợp nêu trên thì vẫn được coi là người phụ thuộc. Thêm nữa, cháu nội/cháu ngoại của người nộp thuế cũng được coi là người phụ thuộc. Cuối cùng, nhóm đối tượng “các cá nhân khác không nơi nương tựa” được quy định là người phụ thuộc khá rộng, bao gồm cả ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em ruột và các cá nhân khác.
Quy định này chỉ bảo đảm công bằng cho người nộp thuế trong điều kiện người nộp thuế có ý thức, trung thực, trách nhiệm cao và công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả. Tuy nhiên, việc quy định các đối tượng được coi là người phụ thuộc quá rộng có thể là kẽ hở dễ bị lợi dụng và tạo ra bất công bằng theo chiều ngang cho các đối tượng nộp thuế.
Bên cạnh bất cập nêu trên, việc áp dụng biểu thuế lũy tiến 7 bậc đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công cũng bộc lộ những bất cập nhất định, như: Số lượng bậc thuế nhiều nên mức độ giãn cách giữa các bậc thuế chưa hợp lý; mức khởi điểm nộp thuế thấp nên đại đa số người có thu nhập từ tiền lương, tiền công thấp phải chịu thuế TNCN, trong khi mức điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao chưa nhiều, dẫn đến khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp ngày càng lớn.
Nên sửa đổi, bổ sung thế nào cho phù hợp, công bằng?
Trước hết, chúng ta cần tăng mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ cho người phụ thuộc đối với người chịu thuế TNCN cho phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ và không ngừng biến động, do đó việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên mức cao hơn hiện tại là phù hợp với thực tế và nguyện vọng của đại đa số người dân. Ngoài ra, không nên cào bằng ngưỡng chịu thuế bởi ở những thành phố lớn, chi phí sinh hoạt cao hơn. Vì vậy, nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm áp dụng cho người lao động ở 4 vùng để tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
Thứ hai, mở rộng đối tượng chịu thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế. Ngoài ra, để bảo đảm tính công bằng, cần điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự để bảo đảm công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân (doanh nghiệp); điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.
Luật sư LÊ VĂN LÊN
Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh