QĐND - Ngày 25-6-2015, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (thay thế Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002). Ngày 9-7-2015, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 13/2015/L-CTN về việc công bố luật này.
 |
Ảnh minh họa.
|
Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) gồm 7 chương, 77 điều, quy định rõ hơn về việc tăng cường quản lý NSNN, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, nguyên tắc về chi NSNN. Theo đó, luật đã bổ sung quy định pháp lý về việc lập kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong việc lập, quyết định khi xem xét, thông qua dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách hằng năm.
Để gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách với kết quả và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tăng cường trách nhiệm giải trình, minh bạch ngân sách và sự giám sát của các cơ quan quản lý, Luật NSNN đã quy định về thực hiện quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (đây là quy định mới). Lộ trình thực hiện do Chính phủ quy định cụ thể. Cùng với đó, để tăng cường quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, luật đã bổ sung nguyên tắc quy định NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được NSNN hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của NSNN và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể.
Đáng chú ý, luật đã bổ sung và quy định rõ hơn nguyên tắc về chi NSNN, theo đó, các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.
Một trong những nội dung cơ bản của Luật NSNN là đã quy định cụ thể việc đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao tính minh bạch, công khai; tăng cường trách nhiệm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính-NSNN, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Theo đó, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý kinh phí ủy quyền; trong việc thẩm tra phân bổ dự toán (thẩm tra sau). Luật còn bổ sung một số nội dung quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực NSNN, trong đó có nội dung cấm xuất quỹ NSNN tại Kho bạc Nhà nước mà khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định. Bổ sung quy định các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách; việc công khai phải kèm theo báo cáo thuyết minh; công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; công khai các thủ tục NSNN; giám sát thực hiện NSNN của cộng đồng.
Luật NSNN sẽ có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.
LÊ THIẾT HÙNG