Trước những biến động của thương mại toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện rõ khả năng thích ứng linh hoạt, tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
Tăng trưởng cao trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động
Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những biến cố bất ngờ như đại dịch Covid-19, siêu bão Yagi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, thương mại, đời sống. Tuy nhiên, mỗi lần đối mặt với khó khăn, Việt Nam đều chủ động ứng phó, chuyển nguy thành cơ, từ đó khẳng định bản lĩnh và khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Riêng năm 2024, trước một bức tranh thương mại toàn cầu nhiều gam màu xám như: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang, biến động giá nguyên vật liệu, năng lượng..., Việt Nam nổi bật lên như một điểm sáng của sự thích ứng linh hoạt và chủ động bứt phá. Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD, vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023, tăng 15%, cao gấp gần 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Không dừng lại ở quy mô, chất lượng xuất khẩu cũng được cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp đã chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, kỹ thuật và nguồn gốc xuất xứ từ các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản...
 |
Hoạt động xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: TRẦN NGHI |
Bước sang quý I-2025, mặc dù nền kinh tế thế giới và các đối tác chính như Mỹ, EU, Trung Quốc... đều chịu ảnh hưởng từ các chính sách bảo hộ và lạm phát; lãi suất thắt chặt và khủng hoảng địa chính trị tiếp tục gây áp lực lên thương mại toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn chứng tỏ được sự linh hoạt và sức bật mạnh mẽ trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý I-2025 đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Việt Nam vẫn duy trì được thặng dư thương mại 3,16 tỷ USD.
Những con số ấn tượng không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà đến từ chiến lược thích ứng linh hoạt và toàn diện. Việt Nam đã ký kết và thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), mở ra các thị trường rộng lớn từ EU đến châu Á-Thái Bình Dương. Sự đa dạng hóa thị trường là một chiến lược dài hạn đúng đắn, giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc đơn phương. Với chính sách cởi mở, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chuyển đổi công nghệ, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Lego, Foxconn... trong bối cảnh thế giới tái cấu trúc chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ-Trung.
Cần những chiến lược linh hoạt
Trong bối cảnh hiện nay, chính sách thuế quan của các thị trường trọng điểm, nhất là chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ có thể là một rào cản nhưng cũng chính là phép thử cho năng lực thích nghi và sức bền của doanh nghiệp Việt Nam. Theo rà soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ với các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị. Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như gỗ, dệt may, thiết bị điện tử... Trước diễn biến của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sản phẩm, tập trung vào các ngành hàng giá trị gia tăng cao, ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhiều công ty chuyển từ sản xuất theo đơn đặt hàng sang phát triển thương hiệu riêng, xuất khẩu sang thị trường ngách tại châu Âu và Trung Đông...
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhấn mạnh, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với dệt may Việt Nam-ngành công nghiệp đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới. Với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, điều quan trọng nhất lúc này đối với các doanh nghiệp không phải là hoang mang, lo lắng mà là tinh thần kiên định, nhanh chóng cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh và phản hồi từ các khách hàng quốc tế. Ông Lê Tiến Trường cũng cho biết, các doanh nghiệp trong tập đoàn cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, quyết tâm về đích sớm các đơn hàng của quý II trong 90 ngày (trước ngày 5-7).
Các chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng mới trong 90 ngày là giai đoạn quyết định để các nước đàm phán và có sự chuẩn bị cho các kịch bản. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia kiến nghị Chính phủ chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ, tăng đối thoại, đàm phán qua các kênh. Việt Nam cần sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ, như tăng nhập khẩu, tiếp tục giảm thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ nước này. Cùng với đó, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực; cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics, để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Chia sẻ thêm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh: Tự lực vẫn là giải pháp đầu tiên và quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát các động thái của thị trường, tăng phối hợp và đàm phán với đối tác nhập khẩu, chủ động điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác. VCCI đã đề xuất Chính phủ tăng xúc tiến thương mại với các thị trường mới, tận dụng mức tăng ngân sách nhà nước để mở rộng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp.
VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.