Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ) tổ chức sàn giao dịch việc làm liên kết vùng (trực tiếp và trực tuyến), nhằm kết nối cung-cầu lao động giữa các địa phương trong vùng.

Gần 40 doanh nghiệp với hàng nghìn lao động (gồm người lao động và sinh viên, học sinh trường nghề có nhu cầu tìm kiếm việc làm) đã tham gia tại đầu cầu chính ở TP Hồ Chí Minh, được tổ chức tại cơ sở 2 Trường Cao đẳng nghề TP Hồ Chí Minh. Tại đây, người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp qua phần mềm skype, website, kênh thông tin điện tử... để người lao động, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương trao đổi, phỏng vấn tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động và nguồn nhân lực phù hợp cho doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TP Hồ Chí Minh tham gia sàn giao dịch việc làm.

Tham gia sàn giao dịch, sinh viên Nguyễn Thị Như Loan, quê ở Cần Thơ, rất vui khi tìm hiểu nhiều cơ hội việc làm cho ngành chế biến thực phẩm. Như Loan chia sẻ: "Tôi cùng nhiều bạn bè khá lo lắng khi tìm công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi tham gia sàn giao dịch việc làm và được hướng dẫn cụ thể với nhiều thông tin hữu ích về cơ hội việc làm, đặc thù công việc, yêu cầu của doanh nghiệp..., tôi thấy mở ra nhiều cơ hội cho bản thân".

Không chỉ có Như Loan, nhiều công nhân, người lao động đang thất nghiệp do công ty thiếu hụt đơn hàng cũng tìm thấy cơ hội việc làm thông qua sàn giao dịch này. Nhiều lao động bị mất việc, đang cố gắng bám trụ tại TP Hồ Chí Minh, thông qua giao dịch trực tuyến, đã tìm được cơ hội việc làm mới ngay tại quê hương mình.

Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh: Việc tổ chức sàn giao dịch là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm giúp người lao động, doanh nghiệp các địa phương tiếp cận với thông tin nhu cầu việc làm từ các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương lân cận.

Đây là một cơ hội tốt để người lao động tìm kiếm việc làm ở các địa phương; doanh nghiệp ở các địa phương tiếp cận được nguồn lao động chất lượng; giúp giảm tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Từ hiệu quả của sàn giao dịch liên kết vùng lần này, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến để kết nối với các địa phương nhằm mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và nguồn nhân lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao. 

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương, tổ chức có liên quan nắm bắt sát tình hình lao động, việc làm, tích cực liên kết tìm giải pháp giải quyết nhu cầu việc làm của người lao động. Bên cạnh đó là sự chủ động các phương án giải quyết những vụ việc phát sinh và có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công, nghỉ việc tập thể... phát sinh trên địa bàn.

Sở đã chuẩn bị kịch bản phối hợp trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố đang có lao động làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh để triển khai giải pháp phát huy và chia sẻ lợi thế lẫn nhau, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người lao động giữa các địa phương kết nối cung-cầu lao động một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát hoạt động chi trả tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ tổ chức đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, kỹ năng nghề nghiệp.

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, Trung tâm tập trung làm tốt công tác giải quyết chế độ thất nghiệp để giúp người lao động duy trì cuộc sống hằng ngày trong khi tìm kiếm việc làm mới; đẩy mạnh hoạt động tư vấn việc làm cho người lao động, đặc biệt là cho người lao động thất nghiệp để giúp họ tìm kiếm hướng đi mới. Trung tâm sẽ tiếp tục tư vấn cho người lao động thất nghiệp các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, cung cấp cho người lao động các kỹ năng mới để chuyển đổi sang ngành nghề có nhu cầu cao, phù hợp với thị trường lao động hiện nay, từ đó giúp người lao động có cuộc sống ổn định trước những biến động của thị trường lao động.

Với các hình thức, giải pháp liên kết vùng, các sàn giao dịch việc làm đã và đang tiếp tục tạo hiệu ứng "nhất cử lưỡng tiện", vừa giúp người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm, vừa giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực phù hợp. Để các sàn giao dịch hoạt động thực sự hiệu quả, công tác truyền thông, tư vấn, quảng bá... cần được chú trọng triển khai sâu rộng ở cả khu vực đô thị và nông thôn, sao cho ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, thu hút sự quan tâm của thị trường lao động liên vùng.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV-2023 cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc, tập trung ở khu vực thương mại-dịch vụ với 70,13%, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 29,69% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,18% tổng nhu cầu nhân lực. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, tài chính bảo hiểm, dịch vụ bảo vệ... đang có nhu cầu tuyển dụng cao trong dịp này nhằm bổ sung và giữ chân nguồn lao động cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

 Bài và ảnh: XUÂN DUY

 *Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.