QĐND - Loại hình doanh nghiệp xã hội xuất hiện ở Việt Nam đã lâu. Đến nay, số doanh nghiệp xã hội hoạt động tại Việt Nam đã lên tới khoảng 200, nhưng vẫn còn “khoảng trống” pháp lý cho loại hình doanh nghiệp rất đặc thù này. Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), với những bổ sung quan trọng để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp xã hội hoạt động và phát triển…

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là loại hình doanh nghiệp hoạt động đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội lên hàng đầu; sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt mục tiêu xã hội đó; tái phân bổ phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trở lại cho tổ chức, cộng đồng và mục tiêu xã hội. DNXH thực tế đã manh nha tại Việt Nam từ khá lâu, trước năm 1986, mặc dù thời điểm đó khái niệm DNXH còn khá xa lạ tại Việt Nam.

Lớp học dành cho trẻ em kém may mắn được Công ty cổ phần Tòhe tổ chức. Ảnh tư liệu.

 

Trước thời kỳ đổi mới, DNXH chủ yếu gắn với sở hữu tập thể, hoạt động dưới hình thức các hợp tác xã phục vụ nhu cầu của nhóm cộng đồng yếu thế. Sau đổi mới, DNXH gắn với các tổ chức phi chính phủ (NGO) và nguồn vốn tài trợ chủ yếu từ các tổ chức nước ngoài. Từ năm 2010 đến nay, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, DNXH hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nguồn vốn chuyển dịch từ tài trợ bên ngoài sang nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh.

Những năm gần đây, nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề về môi trường nảy sinh với nhu cầu bức thiết cần được giải quyết. Tuy nhiên, đây không phải là mảng có thể kinh doanh sinh lời hấp dẫn các nhà đầu tư, do vậy, càng tất yếu dẫn tới sự ra đời ngày càng nhiều các DNXH. Đứng trước nhu cầu tất yếu đó, nhiều DNXH Việt Nam dần lớn mạnh và có những thành tựu nhất định, ví dụ như Công ty cổ phần Tòhe. Được hỗ trợ bởi Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và Hội đồng Anh, công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2009, Tòhe là một DNXH với sứ mạng mang đến cho trẻ em thiệt thòi một sân chơi với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Tác phẩm của các em được chọn lọc, thiết kế và dùng làm họa tiết trang trí in trên các sản phẩm Lifestyle mang thương hiệu Tòhe, được phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế. Một phần lợi nhuận được sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và chương trình học bổng cho các em có năng khiếu.

Lường trước nguy cơ bị lợi dụng

Tuy đánh giá cao vai trò và sự cần thiết của các DNXH, nhưng nhiều người cũng tỏ ra cảnh giác trước nguy cơ các chính sách ưu đãi với DNXH sẽ bị lợi dụng để phục vụ những mưu đồ, mục đích không tốt. Sự cảnh giác ấy cũng được các đại biểu Quốc hội bàn thảo tại nghị trường.

Nhiều đại biểu Quốc hội cùng đưa ra đề nghị, các quy định về khái niệm; tiêu chí, điều kiện thành lập; quyền và nghĩa vụ DNXH cần được xem xét và đưa ra một cách chặt chẽ ngay từ đầu, tránh tình trạng còn khá lỏng lẻo như hiện tại, dễ dẫn đến trường hợp khi luật được đưa vào thực thi có những doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa DNXH để thực hiện các vấn đề khác.

Về việc dành ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DNXH cho mục tiêu xây dựng xã hội và xây dựng môi trường, theo đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), phần còn lại doanh nghiệp nên dành đóng góp thêm để xây dựng và phát triển đội ngũ lao động tiếp tục lớn mạnh và phục vụ tốt hơn. Đa số các đại biểu đều nhất trí nên chú ý đến các quy định ưu đãi về đầu tư, về địa bàn đầu tư và các ưu đãi khác như thuế cho các DNXH, nhằm khuyến khích mạng lưới DNXH mở rộng hơn nữa, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được chỉnh lý và được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho loại hình doanh nghiệp được coi là tiên tiến này. Đó sẽ là cơ sở quan trọng giúp mạng lưới DNXH Việt Nam có điều kiện phát triển hơn nữa, được quan tâm nhiều hơn bởi các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế, góp phần phát triển kinh tế Việt Nam bền vững hơn. Vấn đề quan trọng lúc này là phải chuẩn bị chu đáo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để luật đi nhanh vào cuộc sống.

"Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý của doanh nghiệp xã hội được xem xét tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;... Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;...

Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội".

(Trích Điều 10, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi))

TÙNG TÂM