Còn nhiều rào cản

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do”, diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 22-9, ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) nhận định: “Trong bối cảnh hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại tự do, thủy sản Việt Nam là ngành có lợi thế lớn nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó thủy sản sẽ phải đối mặt với những biện pháp phòng vệ quyết liệt hơn, bao gồm các rào cản kỹ thuật, rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm, rào cản về biện pháp phòng vệ thương mại, như chống bán phá giá, chống trợ cấp… Muốn vượt qua thách thức, Việt Nam cần có những phương thức tiếp cận mới trong tạo lập chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính”.

leftcenterrightdel
Nuôi tôm quảng canh ở ấp Thạch Động, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù có nhiều chương trình và chính sách thúc đẩy chuỗi liên kết thủy sản được ban hành ở cấp Trung ương và địa phương, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế cản trở sự phát triển bền vững. Trước tiên, mức đầu tư phát triển cho ngành thủy sản và đầu tư phát triển chuỗi giá trị thủy sản còn nhiều hạn chế. Mức đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư khoảng 480.000 tỷ đồng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2016-2020. Các điều kiện tiếp cận vốn ODA cũng không còn nhiều. Các doanh nghiệp (DN) FDI thì ngần ngại vấn đề quy hoạch, các chính sách tích tụ đất đai. Hoạt động đầu tư và sản xuất thủy sản vẫn mang tính tự phát và thiếu sự liên kết; chưa cơ cấu hợp lý trong quy hoạch vùng đánh bắt khiến cho sản lượng khai thác chủ yếu ở vùng đặc quyền kinh tế, nhiều loại, nhiều vùng biển đã vượt ngưỡng khai thác bền vững. Sản phẩm hải sản mới chỉ khai thác ở giá trị vật chất mà chưa chú trọng đến giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa.

PGS, TS Đỗ Thị Phi Hoài (Học viện Tài chính), chủ nhiệm đề tài “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh hội nhập…” cho biết: “Không thể phủ nhận vai trò của các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên số lượng chính sách được áp dụng thực hiện và có ảnh hưởng tích cực tới ngư dân, hợp tác xã và DN hoạt động trong ngành thủy sản còn khá ít. Quá trình triển khai các chính sách này cũng cho thấy một số rào cản, như: Tiêu chuẩn cho vay chưa phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, quy trình thực hiện còn phức tạp, ngân hàng và tổ chức tín dụng chưa muốn đầu tư vào lĩnh vực thủy sản do vấn đề rủi ro; thiếu các văn bản hướng dẫn kịp thời. Để giải quyết những tồn tại trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý, ban hành văn bản riêng, đặc thù nhằm tạo môi trường phát triển chuỗi liên kết”.

Cần chính sách đồng bộ

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, các bộ, ngành cần chủ động tham mưu các chính sách mới đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, không chờ đợi phải có chính sách này mới ban hành chính sách kia. Vai trò của các bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, chủ tịch UBND các tỉnh rất quan trọng trong chủ động xây dựng chính sách, nhằm tạo hành lang thuận lợi để nâng cao khả năng tiếp cận của chủ thể trong chuỗi giá trị nông sản...

Nhiều DN kiến nghị, cần thực hiện hỗ trợ vốn, tín dụng cho sản xuất, ưu đãi lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay để người sản xuất đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động nuôi trồng và bảo đảm tiến độ giải ngân; ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước để canh tác, sản xuất; cung cấp kinh phí đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức nuôi thủy sản sạch, phổ biến các quy định, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để từng bước nâng cao năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến khích tổ chức lại sản xuất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân nuôi trồng theo mô hình quản lý cộng đồng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm giám sát việc tuân thủ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, từ đó mở rộng quy mô sản xuất thành một vùng nuôi lớn. Tổ chức nuôi thủy sản lớn để tạo lợi thế trong đàm phán về giá con giống, giá thức ăn, giá sản phẩm, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

PGS, TS Phan Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng: “Đối với DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, cần khuyến khích tăng cường tính chủ động, năng động thông qua các chính sách tài chính hỗ trợ, như: Tín dụng xuất khẩu; thuế nhập khẩu đối với những công nghệ hiện đại, thiết bị tân tiến để phát triển công nghiệp chế biến, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm; nguồn lực tài chính để nghiên cứu phát triển con giống tốt, sản phẩm chất lượng. Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế dành riêng cho những DN tham gia vào chuỗi liên kết giá trị, có hợp đồng cung cấp đầu vào hoặc bao tiêu sản phẩm đầu ra cho DN. DN cũng chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, giám sát để nâng cao khả năng quản trị DN”.

Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG