Tuy nhiên, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có chính sách thuế VAT ổn định hơn thay vì liên tục đề xuất gia hạn thực hiện chính sách giảm thuế, điều này tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời tránh gây áp lực trong hoạch định chính sách tài khóa.
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, trong đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục giảm 2% thuế và mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được thụ hưởng từ ngày 1-7-2025 đến hết ngày 31-12-2026, các đại biểu cơ bản tán thành với chủ trương này. Song một số đại biểu đã thẳng thắn nêu ra tính thiếu ổn định của chính sách, khi từ đầu năm 2022 đến nay chúng ta thường áp dụng giảm thuế VAT nhưng các đợt giảm thuế đều trong ngắn hạn và liên tục gia hạn 6 tháng hoặc một năm.
 |
Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nêu ý kiến, việc áp dụng giảm thuế VAT trong ngắn hạn khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ khó trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh lâu dài. Mặt khác, chính sách giảm thuế VAT đang áp dụng hiện nay là một trong những nguyên nhân “khiến kỷ luật, kỷ cương tài chính của chúng ta không nghiêm”. Đầu năm, Quốc hội đã quyết xong dự toán ngân sách nhà nước. Song, đến giữa năm, lại đưa ra chính sách giảm thuế, điều này có nghĩa ngân sách giảm thu. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ nên có đề xuất, định hướng lâu dài với thuế VAT. Đại biểu đặt vấn đề: Tại sao chúng ta không nhìn xa hơn, đánh giá tổng thể kỹ đi, nếu thực sự có tác động tới nền kinh tế tốt như vậy thì xác định luôn mức thuế VAT của các lĩnh vực là 8% thôi, để ổn định lâu dài?
Thực tế cho thấy, việc liên tục gia hạn và kéo dài việc thực hiện chính sách giảm thuế tạo tiền lệ không tốt, khiến chính sách thuế trở nên thiếu tính ổn định và không nhất quán. Ngoài ra, dư địa tài khóa, chính sách bị thu hẹp sẽ làm giảm khả năng ứng phó khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn trong tương lai. Theo tính toán của Chính phủ, khi áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% xuống còn 8% trong 6 tháng cuối năm nay và cả năm sau sẽ khiến thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng; năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng). Với tác động dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng nhưng chưa được tính trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, cùng các khoản chi mới phát sinh và các chính sách giảm thu khác trong các nghị quyết mới sẽ được ban hành, các dự án mới được thông qua có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 cũng như việc xây dựng dự toán của năm 2026.
Giảm thuế đồng nghĩa với giảm nguồn thu ngân sách-một bài toán không dễ trong cân đối ngân sách. Nhưng nếu đặt mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế lên hàng đầu thì cần nhìn nhận giảm thuế không chỉ là biện pháp tình thế, mà là một phần trong chiến lược phục hồi và phát triển dài hạn của nền kinh tế.
VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.