Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy trình tổ chức thi có nhiều điểm mới.
Tuy nhiên nhiều Sở GD&ĐT vẫn còn rất băn khoăn về công tác chấm thi, tổ chức thi và ra đề thi như thế nào để đảm bảo tính công bằng của kỳ thi?
Lo ngại khâu chấm thi
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT với 3 điểm mới là tổ chức thi theo cụm trường, chấm chéo bài thi tự luận giữa các sở và quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ phận thực thi nhiệm vụ trong quá trình thi. “Bộ GD&ĐT đưa ra 3 vấn đề này dựa trên phân tích dữ liệu kết quả thi của năm ngoái để cố gắng giải quyết những tồn tại của kỳ thi năm trước” - ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết.
Ông Nghĩa dẫn chứng: “Năm ngoái, khi kiểm tra chấm tự luận, Bộ phát hiện một số trường hợp chấm chưa chính xác. Chính vì vậy, năm nay, sẽ chấm chéo giữa các tỉnh, thành để đảm bảo khách quan”.
Thực tế, việc thi cụm đã được một số sở như Nghệ An, Thừa Thiên Huế triển khai từ vài năm trước. Khi so sánh kết quả của tuyển sinh ĐH, CĐ với kết quả tốt nghiệp THPT, xã hội vẫn tin tưởng kết quả kỳ thi tuyển sinh hơn. Chính vì thế, để đảm bảo nâng cao chất lượng kỳ thi năm nay, Bộ quyết định tổ chức thi theo cụm.
Ông Trần Trọng Khiếm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ (Trưởng vùng VII) cho biết, hiện nay các sở đều lo ngại về khâu chấm thi. Ông cũng đặt câu hỏi liệu có sự “sát phạt” giữa các sở qua khâu này không? Ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM lại cho rằng: “Tôi không lo có chuyện “sát phạt”, vì với người thầy giáo, đâu cũng là học trò của mình. Nhưng tôi lo lắng là với những thành phố lớn như TP HCM, bài thi có thể sẽ phải chia cho 3 tỉnh. Như vậy, sẽ có 3 hội đồng thi chấm cho TP HCM và khi áp dụng barem điểm để chấm bài thi chắc chắn sẽ có sự khác nhau. Điều lo lắng nữa là, với những thành phố lớn có điều kiện, học sinh có thể sẽ có nhiều cách làm bài sáng tạo. Nhưng nếu người chấm lại ở những nơi không có điều kiện, nếu cứ “áp” theo đúng barem điểm, chắc chắn những học sinh sáng tạo sẽ không được điểm như mong muốn”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đình Chuẩn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, trong chấm chéo, quy trình hướng dẫn là quan trọng nhất. Làm thế nào để các sở bạn chấm đúng barem điểm mà vẫn khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh? Sở GD&ĐT Cao Bằng đưa ra đề nghị: Bộ nên để các tỉnh có “trình độ” tương đương chấm đổi bài cho nhau. Hơn nữa, để tránh tình trạng chấm sát phạt hay chấm cho tỉnh bạn “chặt tay”, còn tỉnh mình thì “nới tay”, một số sở đề xuất, nên thành lập hội đồng rọc phách riêng theo từng cụm và hội đồng này sẽ phân phối bài thi cho các tỉnh trong cụm. Như vậy, các tỉnh sẽ không biết mình đang chấm cho học sinh của tỉnh nào?
Đề thi sẽ như thế nào?
Bộ GD&ĐT mới công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Đối với khối THPT môn thi gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học, Địa lý. Môn thay thế môn ngoại ngữ là Lịch sử. Khối Giáo dục thường xuyên gồm: Văn, Toán, Vật lý, Địa lý, Hóa, Sinh. Thời gian thi trong 3 ngày (2, 3, 4-6).
|
Theo quy định, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh (TS) học chương trình nào (chuẩn hoặc nâng cao) chỉ làm phần đề dành riêng cho chương trình đó. Tuy nhiên, nhiều Sở cũng rất băn khoăn về việc, có rất nhiều TS học ban Cơ bản (chương trình chuẩn) nhưng lại đăng ký học từ 1 - 3 môn tự chọn nâng cao, vậy khi đăng ký dự thi theo ban thì đối tượng TS này phải làm phần đề dành riêng cho chương trình chuẩn hay nâng cao ở những môn mà TS đó học tự chọn nâng cao? Vì vậy, Bộ cần có quy định rõ hơn về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi công bằng cho TS.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) lưu ý: Về nguyên tắc, học chương trình nào phải làm theo phần đề dành riêng cho chương trình đó. Đối với những TS học chương trình của ban Khoa học tự nhiên hay ban Khoa học xã hội và nhân văn thì sẽ làm phần đề dành riêng cho chương trình nâng cao. Đối với TS học ban Cơ bản, sẽ có 3 đối tượng: Những TS chỉ học chương trình chuẩn thì đương nhiên sẽ làm phần đề dành riêng cho chương trình chuẩn; Những TS học chương trình chuẩn nhưng đăng ký học tự chọn một số môn học theo chương trình nâng cao thì cũng sẽ chỉ làm theo đề thi chương trình chuẩn, vì lượng kiến thức mà TS học tự chọn sẽ không thể đầy đủ như TS học chương trình nâng cao; Còn những TS học chương trình ban Cơ bản nhưng có tham gia học một vài môn theo chương trình nâng cao một cách trọn vẹn mà hoàn toàn không học theo chương trình chuẩn của những môn đó thì sẽ phải làm phần đề dành riêng cho chương trình nâng cao của môn thi đó; còn nếu làm theo chương trình chuẩn là sai so với quy định. “Chủ trương của Bộ khi ra đề thi là học sinh sẽ được làm phần đề theo đúng chương trình mà mình đã học” - ông Trần Văn Nghĩa khẳng định.
Theo Báo TNVN- Nguyễn Hằng