QĐND - Rừng phòng hộ ở xã Đăk Môn nói riêng, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum nói chung bị triệt hạ hàng loạt. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012 đã có hơn 50 trường hợp phá rừng phòng hộ làm nương rẫy. Trước đó, năm 2011, tại địa phận này cũng đã có 58 trường hợp triệt phá rừng. Huyện Đăk Glei mất khoảng 50ha rừng mỗi năm.
Trên đường cùng đoàn công tác liên ngành đến kiểm tra tại tiểu khu 134 thuộc địa phận xã Đăk Môn (Đăk Glei), đi đến đâu chúng tôi cũng thấy những cánh rừng đầu nguồn bị tàn phá, những ngọn núi nham nhở cây rừng bị đốn hạ. Nhiều cánh rừng bị bà con địa phương tàn phá, trồng mì, cây đã lên cao ngang đầu gối.
 |
Rừng đầu nguồn ở Đăk Glei bị tàn phá nghiêm trọng.
|
Ông Lê Hải Lâm, Chủ tịch UBND xã Đăk Môn cho biết: “Những đám rẫy này của người dân làng Đăk Tum tự chặt phá rừng. UBND xã đã đến kiểm tra nhắc nhở bà con và tiến hành lập biên bản, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo và tham mưu cho UBND huyện Đăk Glei ra quyết định xử phạt hành chính. Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng bị phá hơn 5ha. Năm 2011, xã cũng có 58 trường hợp, phá hơn 8,3ha rừng…”. Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều cánh rừng đầu nguồn ở đây bị người dân chặt phá để lấy đất trồng mì, trỉa lúa, trồng bắp. Nhiều nơi cây rừng bị chặt phá la liệt, cây rừng bị đốt cháy đen vẫn còn ngổn ngang.
Anh A Ngó, một người dân địa phương ở làng Đăk Tum, xã Đăk Môn đang dọn rẫy nói với chúng tôi: “Mình và một bà con ra đây chặt cây rừng để lấy đất trồng cây lúa, cây mì. Hôm trước có một số cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã đến kiểm tra, biết cán bộ đến bọn mình bỏ vào rừng trốn, họ đi rồi lại ra chặt cây, đốt rẫy… Rừng đây còn nhiều, mình chặt chỗ này, chỗ khác cây lại mọc, rừng mới tái sinh…”. Nói rồi anh A Ngó cười như không có chuyện gì xảy ra.
Theo những gì chúng tôi chứng kiến và những con số thống kê được UBND xã Đăk Môn thông báo có sự chênh lệch rất lớn. Theo báo cáo, đến nay có hơn 50 trường hợp dân phá rừng đầu nguồn làm nương rẫy, UBND xã Đăk Môn đã phát hiện và tiến hành lập văn bản xử lý, tất cả chỉ hơn 5ha rừng. Trong khi đó, theo chứng kiến của chúng tôi và đoàn kiểm tra liên ngành thì chỉ có 3 cái rẫy của gia đình A Ngó, A Biên và A Kiên diện tích rừng bị phá cũng nhiều hơn con số 5ha. Nhiều khoảnh rừng ở Tiểu khu 134 bị phá có chiều dài lẫn chiều rộng cỡ vài trăm mét...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, để qua mắt chính quyền và cũng để chính quyền địa phương khó xử lý, người dân địa phương đã lợi dụng tính “cộng đồng” để đi phá rừng. Muốn phá một cánh rừng nào đó mà bà con cho là đất tốt, phù hợp với trồng cây nông nghiệp như bắp, mì, lúa… thì họ rủ hai, ba chục người trong làng cùng đi từ rất sớm, khiến cơ quan chức năng bó tay. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Hạt kiểm lâm Đăk Glei, mỗi năm huyện này mất khoảng chừng vài chục héc-ta rừng. Tình trạng này càng ngày càng gia tăng khi giá nông sản tăng, nên nạn phá rừng làm rẫy không thể kiểm soát nổi. Những địa bàn có diện tích rừng bị phá nhiều nhất phải kể đến Đăk Nhoong, Đăk Môn và đặc biệt là thị trấn Đăk Glei.
Ông Lê Hải Lâm, Chủ tịch UBND xã Đăk Môn thừa nhận với chúng tôi, tình hình bà con địa phương phá rừng, cán bộ không thể kiểm soát được. Ông Lâm cho rằng, không phải đồng bào thiếu đất sản xuất mà do tập quán sản xuất du canh, du cư của bà con. Họ phát rẫy xong, trồng vài mùa rồi bỏ đi và lại tiếp tục phá những khoảnh rừng khác. Việc xử phạt hành chính cũng chỉ làm cho có, vì không ít lần người dân cố tình mang “sổ hộ nghèo” đến xin miễn nộp phạt và cũng chẳng thể tiến hành cưỡng chế vì tài sản của đồng bào chẳng có gì. Còn theo ông Trần Tân Văn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đăk Glei, thì từ năm 2008 đến nay, Hạt đã tham mưu cho UBND huyện Đăk Glei ký quyết định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm lâm luật với tổng số tiền xử phạt lên đến 10 tỷ đồng, nhưng không thu được đồng nào. Điều này, khiến người dân càng ngày càng nhờn pháp luật và rừng bị phá ngày càng nhiều là không thể tránh khỏi.
Rừng đầu nguồn, lá chắn bảo vệ những dòng sông, đồng ruộng, những công trình, lá phổi sống của hàng triệu con người ở Đăk Glei đang ngày đêm bị tàn phá nặng nề. Nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không kiên quyết ngăn chặn, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ giá trị của rừng thì một ngày không xa rừng Đăk Glei chỉ còn lại những đỉnh núi trơ trọi và hậu quả sẽ rất khó lường.
Bài và ảnh: Quang Hồi - Hoài Nhơn