QĐND Online – Các ý kiến phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật An toàn thông tin ngày 24-6, được đánh giá là rất phong phú, cụ thể, nhiều nội dung mang tính chất kỹ thuật rất sâu. Đa số tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất nghiêm túc lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội và kịp thời chuẩn bị Báo cáo tiếp thu ngay sau khi Quốc hội thảo luận dự án luật này tại tổ. Tuy nhiên, dự án luật vẫn còn những khiếm khuyết nhất định, cần được rà soát, bổ sung, điều chỉnh làm rõ, bảo đảm có sự kết nối thống nhất giữa luật này với các luật chuyên ngành khác đã ban hành và sẽ ban hành sắp tới; đồng thời, hạn chế tối đa những điều quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn, để luật thật chặt chẽ…

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến.

Một số ý kiến cho rằng đây là một dự luật khó, phức tạp nhưng vô cùng quan trọng, không chỉ đáp ứng các yêu cầu, mục đích như đã đề ra mà trên hết phải hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn một cách tối ưu cho hệ thống thông tin mạng nói chung nhằm phục vụ cho an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế đất nước; đặc biệt là cơ sở để đảm bảo cho lộ trình thực hiện chính phủ điện tử, thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến; bên cạnh đó làm điều kiện đảm bảo cho các dự án thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đặc biệt là bảo mật tuyệt đối cho hàng triệu giao dịch mỗi ngày của người dân một khi chip điện tử trên thẻ căn cước công dân được đưa chính thức vào sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật, điều chỉnh cả nội dung an ninh thông tin trên môi trường mạng. Vì theo đại biểu Hùng, an ninh thông tin là việc bảo đảm thông tin trên mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. An toàn thông tin và an ninh thông tin tuy là hai phần việc khác nhau nhưng đều vì mục đích không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Cùng với đó là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, trong đó Điều 11 quy định mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị. Hơn nữa, đưa nội dung này vào để khắc phục những bất cập về phòng ngừa và ngăn chặn những tác động tiêu cực của internet, công tác bảo đảm an toàn được quy định ở từng phạm vi hẹp, theo lĩnh vực chuyên ngành ở Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ còn mang tính chung, chưa đề cập cụ thể về các hành vi và đối tượng chịu sự điều chỉnh để bảo đảm an ninh thông tin, chưa có văn bản luật bảo đảm tính thống nhất bao trùm để điều chỉnh toàn diện về hoạt động an ninh thông tin.

Đại biểu Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta đặt giả thiết luật này không điều chỉnh nội dung an ninh thông tin thì chắc rằng chúng ta sẽ phải xây dựng Luật An ninh thông tin mới có đủ cơ sở pháp lý cho việc quản lý, việc đầu tư nguồn lực tổ chức thực hiện để bảo đảm an ninh thông tin. Từ các lý do trên, tôi đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh và đổi tên luật là Luật An toàn thông tin, an ninh thông tin mạng”.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Hữu Hùng, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) góp ý, cần làm rõ sự giống nhau và khác nhau giữa khái niệm an toàn thông tin và an ninh thông tin. Đại biểu cho rằng, về mặt nội hàm đã có xác định sự khác nhau giữa an toàn thông tin và an ninh thông tin, nhưng bản thân Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và dự thảo luật này cũng không làm rõ được sự khác nhau giữa an toàn thông tin và an ninh thông tin. Đại biểu Hùng đề nghị: “Trong sự kết nối, thống nhất giữa dự thảo luật này với các luật khác cũng phải làm rõ sự khác nhau giữa an toàn thông và an ninh thông tin. Nếu được như đại biểu Nguyễn Hữu Hùng phân tích, tức là làm một luật mà có cả nội dung về an toàn thông tin và an ninh thông tin thì sẽ đầy đủ hơn”.

Đề nghị Quốc hội quan tâm đến ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác đã nêu, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long), Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: “Nếu chúng ta thông qua luật như thế này thì sớm muộn cũng phải bàn thêm một luật nữa về an ninh thông tin. Khái niệm an toàn an ninh thông tin chưa được xử lý một cách nhất quán trong đạo luật này cho nên sẽ còn rất nhiều vấn đề nảy sinh”.

Trong phiên thảo luận, một số đại biểu cũng đề cập đến an ninh mạng. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, chúng ta không thể làm ngơ cảnh báo của hãng bảo mật Kaspersky và Symantec khi cho rằng Việt Nam là nước đứng đầu danh sách các quốc gia có người dùng internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ cao nhất thế giới. Việc lây lan vi rút dính mã độc đa phần là do thói quen sử dụng các dịch vụ miễn phí trên Internet. Dịch vụ phần mềm từ các trang mạng xã hội, từ thư điện tử trá hình, đến việc tải các ứng dụng miễn phí bị cài mã độc vào điện thoại thông minh không ngừng tăng lên, cả số lượng lẫn tính chất phức tạp, nguy hiểm. Tấn công mạng diện rộng là nguy cơ mà diễn ra hằng giờ, hằng ngày và có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Đặc biệt các mục tiêu nhắm đến hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Từ đó, đại biểu Nhân kiến nghị: Ban soạn thảo cần quan tâm và dành một dung lượng phù hợp để chế định thêm các nội dung bảo mật, bảo an một cách đặc biệt cho hệ thống thông tin mạng và các cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt là các chế định về người dùng, chuyên gia bảo mật và các thiết bị di động cá nhân được phép sử dụng trong môi trường hiện nay.

XUÂN DŨNG