 |
Một em bé 5 tháng đang được điều trị vì bị sỏi thận, vì uống sữa có độc tố. |
*Chưa phát hiện thấy sữa Tam Lộc trên địa bàn Hà Nội
Trước thông tin có ít nhất ít nhất 432 trẻ sơ sinh Trung Quốc bị bệnh sỏi thận do uống sữa Sanlu. Các cơ quan chức năng ở trung ương thuộc Chính phủ Trung Quốc cũng đã ra lệnh ngừng bán trên thị trường tất cả các loại sữa bột cho trẻ em có nhãn mác Sanlu. Ngày 15-9, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung vừa ký công văn số 977/TTr- CV2 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra VSATTP các sản phẩm sữa. Công văn nêu rõ, để chủ động phát hiện sớm những sản phẩm sữa không đảm bảo chất lượng VSATTP có thể được nhập khẩu và luư hành trên thị trường Việt Nam, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai ngay việc thành lập các đoàn thanh tra tiến hành thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa trên địa bàn, nhanh chóng phát hiện và tuyệt đối không để các sản phẩm sữa Sanlu của Trung Quốc lưu hành trên thị trường. Trong quá trình thanh, kiểm tra có thể lấy mẫu để xác định chất Tripolycyanamide. Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có sử dụng nguyên liệu sữa của Trung Quốc, cần tiến hành lấy mẫu để phân tích chất Tripolycyanamide. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục VSATTP cho người tiêu dùng...
Ông Trung cũng cho biết thêm, từ ngày 15 đến 20-9, đoàn Thanh tra của Bộ Y tế (gồm Thanh tra, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện dinh dưỡng) cũng tiến hành việc kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội. Kết quả kiểm tra 15 cơ sở ngày 15-9, chưa phát hiện thấy các loại sữa không rõ nguồn gốc, đặc biệt không thấy có sữa Sanlu (Tam Lộc) của Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi chiều 15-9, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ông vừa có chỉ đạo và giao cho đội trưởng các đội nghiệp vụ, đội cơ động, đội kiểm tra về hàng giả, hàng kém chất lượng tiến hành rà soát thật kỹ sữa bột Tam Lộc của Trung Quốc tại các địa bàn trọng điểm. Nếu có phải bị thu hồi ngay. Tuy nhiên, ông Ngọc lại không thể khẳng định “trên thị trường có hay không tồn tại một sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc” bởi sữa là một trong những mặt hàng trọng điểm phải kiểm tra, kiểm soát nhưng cán bộ thị trường chỉ thu giữ khi sản phẩm quá đát, không rõ ràng hình thức so với quy định của nhà nước. Việc kiểm nghiệm chất lượng lại do cán bộ y tế. Theo ông Ngọc, để phòng ngừa và kiểm soát được chất lượng sữa, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) phải đưa sữa là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cấp visa (kiểm định chất lượng rồi mới cho lưu hành) giống như có số visa cho mỹ phẩm... Ông Ngọc cho biết, các mặt hàng Trung Quốc thường có giá rẻ nên các đối tượng tư thương dễ vận chuyển về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ. Chi cục sẽ kết hợp với thanh tra Sở y tế thống nhất biện pháp quản lý tốt nhất đối với loại sữa này.
Ông Hoàng Thuỷ Tiến, Cục phó cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, Cục chưa cấp phép lưu hành sữa Tam Lộc (Trung Quốc) vào thị trường Việt Nam. Cục cũng đang kết hợp với thanh tra Bộ Y tế lên kế hoạch tổng kiểm tra các mặt hàng sữa hiện đang lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Theo Hãng Thông tấn xã Xinhua (Trung Quốc), hãng sữa Sanlu (hay Tam Lộc) đã bị ra lệnh ngưng sản suất khi số trẻ em bị bệnh lên tới 432 em. Nguồn tin này cho hay, tháng 8, kết quả xét nghiệm của Tam Lộc đã tiết lộ cho biết chất Melamine ở trong bột sữa là một hóa chất độc được sử dụng trong kỹ nghệ làm bao bì ny lông và cũng là loại hóa chất đã gây nhiễm độc vào thức ăn gia súc năm 2007. Việc cho thêm hoá chất Melamine vào sữa có thể làm gia tăng số lượng chất đạm trong sữa cao hơn. Công ty sữa Sanlu Group đã mua sữa từ 60 ngàn nông trại sữa khắp toàn quốc. Tại Đài Loan, chính quyền đã tịch thu hàng ngàn kg sữa bột đã được sản suất bởi hãng Sanlu Group sau khi nhà chức trách Bắc Kinh đã thông báo cho họ biết sữa đã bị nhiễm tạp chất.
Cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng có công văn yêu cầu phòng y tế các quận, huyện báo cáo UBND quận, huyện để lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc kinh doanh sữa trên địa bàn. Nếu phát hiện sữa không có nguồn gốc phải xử lý ngay theo quy định và báo cáo để có hướng giải quyết.
Hoàng Nga - Ảnh từ Internet