QĐND Online – Trong bối cảnh đất nước phát triển, hội nhập ngày một nhanh và mạnh, pháp luật về hải quan được cử tri và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Báo QĐND Online xin giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), một dự thảo luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này…

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An)

Không nên dùng cụm từ "đơn vị vũ trang nhân dân"

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An. Ảnh: TTXVN

Tại Điều 9 phối hợp thực hiện luật về hải quan, có 2 khoản đều có cụm từ "đơn vị vũ trang nhân dân". Tôi cho rằng, viết như vậy chưa chặt chẽ. Cụm từ đó chúng ta có thể dùng trong văn nói, trong báo chí thì phù hợp hơn, còn dùng trong luật nên nêu chủ thể thực hiện. Do vậy, cụm từ "đơn vị vũ trang nhân dân" nên thay bằng cụm từ "quân đội nhân dân và công an nhân dân".

Tại khoản 1, nêu cơ quan hải quan có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện pháp luật về hải quan. Viết như vậy sự phối hợp về quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô thì dễ và có thể thuận lợi nhưng khi tổ chức thực hiện tại cơ sở, thì chưa chặt chẽ, tính pháp lý chưa cao. Theo tôi, nên thêm cụm từ "hiệp đồng" vào sau cụm từ "chủ trì". Vì lực lượng hải quan khi làm nhiệm vụ trong điều kiện bình thường thì phối hợp là tốt nhưng khi làm nhiệm vụ trong điều kiện đối tượng kiểm tra, khối lượng hàng hóa có dự báo phức tạp thì hiệp đồng giữa các cơ quan từ trước và phải chuẩn bị hết sức chu đáo.

Đặc biệt khi làm nhiệm vụ trên biển, vùng lãnh thổ, đặc quyền kinh tế thì cần đưa hiệp đồng vào. Vì đây là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho những lực lượng, như hải quân, cảnh sát biển, các lực lượng khác tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Đồng thời ở Điều 9 cũng nên quy định bổ sung nhiệm vụ bảo vệ lực lượng hải quan, bảo vệ cơ sở vật chất như kho, trạm, bến bãi, phương tiện trong quá trình thực hiện Luật Hải quan. Trong một số điều luật đã nêu, tôi thấy không phải lực lượng không được bảo vệ nhưng trong điều kiện hiện nay tôi cho cần phải nêu trong luật để làm cơ sở cho các lực lượng bảo vệ có cơ sở pháp lý vì khi lực lượng hải quan làm nhiệm vụ ở địa hình phức tạp dễ có sự chống đối của các lực lượng manh động, cực đoan, hoặc khi làm nhiệm vụ trên biển, biên giới chưa xảy ra chiến tranh nhưng có mâu thuẫn cục bộ, lực lượng hải quan cần được bảo vệ chu đáo. Hoặc khi khối lượng hàng hóa thu giữ nhiều, chủng loại phức tạp, có lực lượng tham gia bảo vệ để hải quan yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang)

Bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Trong các dự án luật về một lĩnh vực nào đó từ trước đến nay chúng ta đều có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, trong dự án luật này hành vi bị nghiêm cấm không được đề cập riêng. Quy định này rất cần thiết để làm căn cứ pháp lý cho việc định ra các hành vi và hình thức xử phạt vi phạm. Vì vậy, để thực hiện Hiến pháp năm 2013, quy định những hành vi cấm và liên quan đến quyền của công dân phải được luật hóa, luật định. Do đó tôi đề nghị bổ sung nội dung này.

Bộ Luật hình sự đã quy định các tội phạm trong lĩnh vực hải quan. Căn cứ vào quy định của Luật Hải quan hiện hành, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Vì vậy, về nội dung này cần được rà soát đánh giá các hành vi đã được quy định để đưa vào quy định các hành vi cấm. Ví dụ như các quy định về trốn tránh khai báo hoặc khai báo gian dối khi làm thủ tục hải quan; hành vi không tái xuất hàng thuộc diện tạm nhập tái xuất; hay hành vi xuất, nhập khẩu hàng cấm; hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan bằng hàng chưa kiểm tra hải quan; hành vi giả mạo thủ tục hải quan; hành vi không chấp hành hiệu lệnh của công chức hải quan khi vận chuyển hàng hóa trong địa bàn hải quan hoặc hành vi cố tình không tái xuất phế liệu, không đáp ứng các quy chuẩn về kỹ thuật môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang)

Cân nhắc điều chỉnh chủ thể thông báo, thông tin phương tiện vận tải

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang). Ảnh: TTXVN

Điều 65 của dự thảo luật quy định người vận chuyển phải thông báo, thông tin về hàng hóa và hành khách nhập cảnh, xuất cảnh trên phương tiện vận tải trước khi nhập cảnh, xuất cảnh trực tiếp cho cơ quan hải quan hoặc qua hệ thống thông tin một cửa quốc gia. Quy định trên cho thấy việc quy định chủ thể thông báo, thông tin phương tiện vận tải là người vận chuyển chưa rõ ràng và chưa thống nhất ngay cả trong dự thảo của luật. Vì trong dự thảo luật chưa quy định và giải thích người vận chuyển là ai, trong trường hợp này phải chăng người vận chuyển là chủ phương tiện vận tải, là người điều khiển phương tiện vận tải hay người được chủ hàng hóa, chủ phương tiện ủy quyền để thông báo, báo tin, thông tin. Trong khi đó, dự thảo luật đã quy định rất rõ về người khai hải quan và đại lý làm thủ tục hải quan quy định ở Khoản 5, Khoản 6, Điều 4 của dự thảo luật. Do vậy, để đảm bảo thống nhất trong dự thảo luật, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh chủ thể thông báo, thông tin phương tiện vận tải được quy định tại Điều 65 theo hướng thay cụm từ "người vận chuyển" bằng cụm từ "người khai hải quan".

 Đại biểu Võ Trọng Việt (đoàn Kon Tum)

Tăng quyền cho lực lượng hải quan trong phòng chống tôi phạm

Đại biểu Võ Trọng Việt (đoàn Kon Tum). Ảnh: TTXVN

Vấn đề truy đuổi của hoạt động hải quan là một thực tế. Bộ đội biên phòng gắn với hải quan rất nhiều năm, nên nhận thấy, nếu như không có trao quyền truy đuổi cho lực lượng hải quan trên biển, trên biên giới thì bỏ lọt tội phạm. Tôi nghĩ việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ chỉ với lực lượng phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu cũng vậy. Với tình hình hiện nay, phòng, chống tội phạm ngay tại cửa khẩu, nếu không cho phép cán bộ hải quan trang bị những công cụ tương ứng thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Phải mạnh dạn giao cho anh em, còn quy trình xử lý có luật pháp quy định, không sợ anh em sử dụng quá quyền hạn, phải trao quyền để anh em có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Vấn đề xử lý tội phạm, cũng có nhiều ý kiến nói rằng không nên bắt, xử lý, kiểm tra, kiểm soát. Theo tôi nên tăng quyền này cho hải quan, vì trên biển, vùng sâu, vùng xa hoạt động tội phạm rất phức tạp, nếu không trao quyền tương ứng thì không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nghĩ trao cho lực lượng này thì chỉ có lợi cho đất nước, Đảng và nhân dân. Phải đảm bảo cho lực lượng hai quan có quyền bắt, khám xét, tạm giữ và sử dụng các phương tiện để phục vụ hoàn thành nhiệm vụ.

XUÂN DŨNG (ghi)