QĐND Online – Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Trước thực trạng nhiều vụ việc dân sự người dân không biết đi đâu để giải quyết, Điều 4 dự thảo luật quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến…

Thảo luận tại tổ 6.

Khoản 2, Điều 4 dự thảo BLTTDS (sửa đổi) quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Về vấn đề này trong thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề mới, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, quy định như dự thảo không phù hợp với thực tiễn nước ta, đa số ý kiến UBTP đề nghị bỏ quy định này.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng tại Điều 4 là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giải quyết thì Tòa án phải giải quyết. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, thì Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Nếu Tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể thì không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Việc Tòa án từ chối thụ lý, giải quyết sẽ không bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp.

Các đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa), Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) đều khẳng định, tòa án sẽ gặp khó khăn vì dân sự là “mênh mông” nhưng không phải vì vậy mà không thụ lý, có rào cản, khó khăn thì phải tập trung nỗ lực khắc phục, giải quyết.

Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (đoàn Hưng Yên) phát biểu ý kiến.

Cùng quan điểm, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, nếu chúng ta quyết tâm thì chắc chắn sẽ giải quyết được khó khăn, chứ không thể để người dân không biết đi đâu để giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đại biểu nêu dẫn chứng về một công ty tư nhân đi thuê giám đốc và trao con dấu cho người giám đốc này. Khi có tranh chấp giữa công ty đó với người được thuê làm giám đốc, người giám đốc không trả lại con dấu thì công ty đó sẽ không biết làm thế nào để lấy lại một cách hợp pháp vì đưa đơn kiện ra tòa án, tòa án trả lại với lý do không có điều luật điều chỉnh quan hệ này. Đây là thực tế cần phải sớm được thay đổi để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các đương sự.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lan, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng, Hiến pháp đã sửa đổi rồi, thực tế đã cho thấy những bất cập rồi, không có có lý gì mà lại cứ không có pháp luật thì không xét xử. Nếu tòa án không thụ lý thì người dân ra đường sẽ biết hỏi ai, tìm ở đâu người, cơ quan, đơn vị xét xử cho mình hay là phải dùng đầu gấu, xã hội đen để giải quyết.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu không đồng tình với quy định này. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì toà án sẽ căn cứ vào đâu để giải quyết vụ việc. Đại biểu Nga đề nghị không nên có quy định này trong dự thảo vì nếu không sẽ rất tuỳ nghi, gây bế tắc trong giải quyết.

Bài, ảnh: XUÂN DŨNG