Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thời gian gần đây, số bệnh nhân bị rắn độc cắn tăng mạnh. Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ khiến nạn nhân và người thân lúng túng, chậm trễ. Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, nạn nhân thường không kịp nhận diện để biết là rắn lành hay rắn độc nên không có các biện pháp giải độc, dẫn đến nguy hiểm...
QĐND - Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thời gian gần đây, số bệnh nhân bị rắn độc cắn tăng mạnh. Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ khiến nạn nhân và người thân lúng túng, chậm trễ. Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, nạn nhân thường không kịp nhận diện để biết là rắn lành hay rắn độc nên không có các biện pháp giải độc, dẫn đến nguy hiểm.
Để xác định xem đó là rắn lành hay rắn độc có thể quan sát vết thương. Nếu tại vết cắn thấy cả hai hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung, không thấy vết răng nanh là rắn lành. Còn nếu tại nơi bị cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5mm và một số vết răng nhỏ là rắn độc. Nếu đúng là bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắn chắn thì cần ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần thân thể vì cử động sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Khi bị rắn độc cắn, cần tiến hành sơ cứu ngay trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Các biện pháp sơ cứu được khuyến cáo là: Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn vì có thể gây chèn ép khi chi sưng nề. Mục tiêu là làm chậm sự hấp thu của nọc độc về tuần hoàn hệ thống, bảo vệ tính mạng bệnh nhân, vận chuyển bệnh nhân một cách nhanh nhất đến cơ sở y tế. Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm. Không áp dụng ga-rô, chích, rạch, chọc tại chỗ, hút nọc độc, gây điện giật, sử dụng hòn đá chữa rắn cắn, chườm lạnh vết cắn (chườm đá).
AN AN