Rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển

Các tuyến cao tốc chỉ phục vụ ô tô, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ không được đi vào đường cao tốc. Điều này giúp việc lưu thông thuận lợi hơn, an toàn hơn.

leftcenterrightdel

Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Thanh Hoá. Ảnh: THÀNH VŨ.

Tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 giúp nối dài đường cao tốc từ Hà Nội đi về phía Nam đến Ninh Bình, Thanh Hóa. Phương tiện giao thông được tham gia giao thông trên tuyến cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/giờ. Việc thông xe dự án này giúp giảm đáng kể thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Thanh Hóa, chỉ còn khoảng 2 tiếng so với 3 tiếng như trước đây. 

Theo Ban điều hành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông vận tải) các nút giao trên tuyến được đưa vào khai thác đồng bộ, trong đó có 4 nút giao khai thác cùng thời điểm khánh thành gồm Mai Sơn (Km274+393), Gia Miêu (Km295+800), Hà Lĩnh (Km306), Đông Xuân (Km327+142). 

leftcenterrightdel
Nút giao Đông Xuân trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: HUY HÙNG.

Ngoài ra trên tuyến còn có 3 nút giao, trong đó, nút giao Đồng Giao (Km283+800) đang chờ đường kết nối vào đại lộ Đông Tây (tỉnh Ninh Bình); nút giao Thiệu Giang (Km315+180) chờ đường kết nối, dự kiến hoàn thành cuối năm năm 2024 và nút giao Đồng Thắng (Km335+400) là nút giao mới bổ sung, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, về công tác bảo đảm an toàn giao thông, tuyến cao tốc này đã bổ sung các vị trí dừng xe khẩn cấp tăng từ 13 vị trí ban đầu lên thành 25 vị trí, chiều dài tăng từ 50m lên 170m, bề rộng 3,25m, giúp phương tiện lưu thông an toàn hơn, có vị trí để xe gặp sự cố có thể dừng đỗ, tránh ảnh hưởng đến phương tiện khác.

leftcenterrightdel
Một số vị trí trên cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 đã được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe. Ảnh: TUẤN LINH. 

Bộ Giao thông vận tải cho biết, bộ đang giao chủ đầu tư các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn phân kỳ với mặt cắt ngang 4 làn xe tiến hành rà soát, đánh giá việc nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90km/giờ và sẽ tổ chức điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Với việc có thêm 2 dự án cao tốc đưa vào khai thác đã giúp nâng tổng số ki-lô-mét đường cao tốc trục Bắc-Nam lên 784km so với giai đoạn trước năm 2020 là 458km. Tổng chiều dài đường cao tốc cả nước hiện đạt 1.580km, trong đó, riêng 3 năm gần đây đã xây dựng được 416km. Đánh giá về chủ trương phát triển đường cao tốc, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia cho rằng, nhìn từ bài học của nhiều nước như Hàn Quốc có thể thấy đầu tư đường cao tốc góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, chủ trương phát triển đường cao tốc rất đúng, rất trúng.

leftcenterrightdel
Hầm Thung Thi, hầm dài nhất của dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45. Ảnh: THÀNH VŨ.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác được đánh giá sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua cũng như khu vực lân cận và cả nước. Cao tốc Bắc-Nam được nối dài giúp giao thương giữa các địa phương thuận tiện, nhanh chóng, góp phần phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và thuận tiện chính là một trong những yếu tố tăng khả năng thu hút đầu tư. Từ đó, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn cho đời sống người dân, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

leftcenterrightdel
Bên trong hầm Thung Thi với kết cầu đồng bộ, hiện đại. Ảnh: TUẤN LINH.

Đến năm 2025 nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, bộ đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai, đến ngày 19-5-2023 sẽ khánh thành đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49km. Tiếp đến cuối năm 2023 khánh thành thêm 4 đoạn với tổng chiều dài 133km, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43km), Nghi Sơn - Diễn Châu (50km), cầu Mỹ Thuận 2 (7km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km).

leftcenterrightdel
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây góp phần phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam và cả nước. Ảnh: NHẬT BẮC. 

Đến năm 2024 sẽ hoàn thành 2 đoạn với tổng chiều dài 129km (Diễn Châu - Bãi Vọt dài 50km, Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 79km). Tiếp đó, đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang nỗ lực hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để chuẩn bị đưa vào khai thác. Theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình triển khai thực hiện, mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công; các nhà thầu đã hết sức nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt để huy động mọi nguồn lực, tổ chức triển khai thi công 3 ca, 4 kíp nhưng dự án này mới chỉ hoàn thành các hạng mục trên tuyến chính.

leftcenterrightdel
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư với quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Ảnh: NHẬT BẮC. 

Các nút giao liên thông, cầu vượt ngang của dự án chưa thể hoàn thành toàn bộ do nguồn vật liệu lắp mới được tháo gỡ và khai thác lại vào đầu tháng 4-2023. Vẫn còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù và chưa bàn giao mặt bằng. Ban điều hành dự án đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu tổng lực thi công, quyết tâm đưa dự án về đích đúng yêu cầu.

MẠNH HƯNG