Ảnh minh họa

Sự khập khiễng đầu tiên là tranh minh họa sách giáo khoa Ngữ văn tập 1 và tập 2. Tập 2 chỉ có 14 bài thì có đến 9 tranh minh họa, trong khi đó tập 1 có đến 15 bài chỉ có 5 tranh minh họa. Sự phân bổ tranh minh họa như thế đã không đúng với tiến trình và quy luật dạy-học kênh hình. Bởi lẽ chương trình học càng cao thì kênh hình càng giảm, song ở đây kênh hình ở tập 2 nhiều hơn tập 1. Sự khập khiễng thứ hai là tranh minh họa cho văn bản nước ngoài nhiều hơn tranh minh họa văn bản trong nước. Trong số 29 bài của bộ sách Ngữ văn lớp 8 chỉ có 6 bài nước ngoài mà có tới 5 tranh minh họa, còn lại 23 bài trong nước chỉ có 9 tranh minh họa. Thiết nghĩ như thế ít nhiều hạn chế việc cảm thụ văn học Việt Nam của học sinh trong quá trình tiếp nhận bài học. Liệu có phải do nội dung văn bản Việt Nam khó vẽ tranh minh họa hơn văn bản nước ngoài hay không? Hơn nữa, cuốn sách Văn học lớp 8 cũ thì truyện "Lão Hạc" của Nam Cao và bài "Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà có tranh minh họa, nhưng khi đổi sang sách Ngữ văn 8 mới hiện nay lại bỏ tranh minh họa, tạo ra sự hụt hẫng nào đó đối với những người tiếp cận bài học này. Ngoài ra, một sự khập khiễng khác là ba bài của Văn học Trung đại ở tập 1 là "Chiếu dời đô" (trang 47) của Lý Công Uẩn, "Hịch tướng sĩ" (trang 55) của Trần Quốc Tuấn, "Nước Đại Việt ta" (trang 66) của Nguyễn Trãi thì hai tác giả là Nguyễn Trãi và Trần Quốc Tuấn thì có chân dung còn tác giả Lý Công Uẩn thì không có. Giá như có thêm chân dung của tác giả này thì học sinh sẽ có dịp so sánh, đối chiếu thần thái của ba vị anh hùng dân tộc ở ba thời đại lịch sử là Lý, Trần, Lê thì cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn.

Qua một vài nét trên đây về tranh minh họa sách giáo khoa Ngữ văn 8, thiết nghĩ rằng, giá như tranh minh họa có đầy đủ, phù hợp với từng nội dung bài học thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các em khám phá, tìm hiểu và học tốt hơn môn Văn học này.

HOÀNG NGÂN