Một số thầy giáo, cô giáo cả ở bậc học phổ thông và giảng viên đại học tâm sự: mỗi khi phải chấm các bài kiểm tra, bài thi chữ nghĩa cẩu thả, nguệch ngoạc, mắc vô số lỗi về chính tả, câu cú thì rất nhức đầu, mắt mỏi. Có thầy giáo, cô giáo còn nói, thời nay hiếm tìm được những học sinh, sinh viên viết chữ đẹp, viết chuẩn mực, không mắc lỗi về chính tả, câu cú. Cái yếu, cái sai căn bản này trở thành hiện tượng phổ biến trong phần lớn học sinh, sinh viên hiện nay.
 |
Cô Phan Hồng Tám từng đạt danh hiệu giáo viên viết chữ đẹp và là giáo viên dạy giỏi tỉnh Cà Mau (ảnh internet) |
Tại sao vậy? Trước hết là do học sinh, sinh viên ngày nay chưa coi trọng sử dụng ngôn ngữ viết, kiến thức, khả năng vận dụng tiếng mẹ đẻ vốn đã yếu kém, lỏng lẻo lại thêm “bệnh lười biếng”, ít dành thời gian rèn luyện, sửa chữa. Trong học tập ở nhà trường phổ thông, trường đại học khi kiểm tra, làm bài viết, không ít học sinh, sinh viên có thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào những bài văn mẫu trong sách, những bài giải thầy cô giáo đã làm sẵn, cho nên, đứng trước một vấn đề, câu hỏi yêu cầu thể hiện bằng văn bản, ngôn ngữ viết, họ tỏ ra bất lực, lúng túng, không phân biệt và xác định được đâu là câu văn đúng, câu văn sai về mặt ngữ pháp, đâu là ngôn ngữ địa phương (khi phát âm), ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ chuẩn (khi viết). Sai phạm ấy kéo dài, bám theo cả cuộc đời. Song cũng không thể đổ hết lỗi cho học sinh, sinh viên mà một phần trách nhiệm thuộc về kiến thức, trình độ, lề lối giảng dạy của giáo viên các cấp, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Do chất lượng đầu vào các trường sư phạm thấp, ngành giáo dục nước nhà có một đội ngũ giáo viên ở bậc tiểu học viết chữ rất xấu, viết sai chính tả, cú pháp.
Tiếc rằng một thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đến bậc tiểu học. Ngay cả hiện nay, do phải lăn lộn lo miếng cơm, manh áo, một số giáo viên tiểu học ít có thời giờ nghĩ đến trách nhiệm “trồng người” của mình. Không ít bài kiểm tra của học sinh mắc nhiều lỗi chính tả, sai câu, dấu chấm, dấu phẩy, nhưng thầy cô giáo vẫn “châm chước”, vui vẻ cho điểm 10, vừa để làm hài lòng phụ huynh, vừa để góp “thành tích” dạy tốt cho bản thân và nhà trường. Cấp tiểu học đã vậy, lên cấp 2, 3 cũng không khá hơn, giáo viên lớp trên đổ lỗi cho giáo viên lớp dưới không lo rèn luyện chữ, câu, chính tả cho học sinh. Phần công việc luyện chữ nghĩa, viết câu, chính tả ở cấp 2, 3 coi như được khoán trắng cho giáo viên dạy ngữ văn đảm đương, còn giáo viên các bộ môn khác chẳng hề có liên quan, học sinh viết chữ, viết chính tả, viết câu chưa đúng, chưa được vẫn để vậy, chỉ nhìn ý và đáp số thôi. Chấm - trả bài là một khâu quan trọng, đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của các thầy cô, góp phần vào việc sửa chữa, uốn nắn câu chữ cho các em. Song có một thực tế đáng buồn là nhiều thầy cô dạy ngữ văn khi chấm, trả bài ít, hoặc không bao giờ sửa lỗi chính tả, câu văn cho học sinh mà cứ nhằm vào ý, “đo” bài ngắn hay dài rồi phết điểm, ghi đôi lời nhận xét chung chung cho có lệ.
Gần đây, ngành giáo dục hủy bỏ mẫu chữ viết cải cách, trở về với kiểu mẫu chữ viết truyền thống vốn rất phù hợp và rất đẹp, cùng với tổ chức nhiều hội thi vở sạch, chữ đẹp cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế số lượng học sinh viết, rèn chữ đẹp vẫn còn ở mức khiêm tốn. Chính vì vậy, ngành giáo dục cần phải làm nhiều hơn nữa, mang tính chiều sâu và rộng rãi hơn, tránh lối hình thức, thành tích giả tạo. Bên cạnh đó, các cấp quản lý giáo dục cùng với các nhà ngôn ngữ nên đưa ra một quy định thống nhất về cách viết chính tả trên toàn quốc, khắc phục tình trạng viết, sử dụng từ ngữ lộn xộn như hiện nay. Những người làm công tác biên soạn sách tiếng Việt phổ thông và đại học nên tăng cường thêm những tiết thực hành, luyện tập về câu, chính tả. Viết đúng chính tả cũng có nghĩa là góp phần vào gìn giữ, phát huy sự trong sáng, giàu đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt.
TẤN PHÁT