QĐND - Đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu nhiều nhất trong phiên họp chiều 22-5 dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Trước khi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu trước Quốc hội, đại đa số các đại biểu đều khẳng định việc ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Trước thực trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết làm hạn chế hiệu quả quá trình thi hành pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần phải bổ sung vào dự thảo luật những quy định cụ thể để “xử lý” triệt để thực trạng nói trên.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) kiến nghị, cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính kịp thời của văn bản hướng dẫn, cơ chế xác định rõ trách nhiệm, xử lý rõ ràng đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm nghiêm minh trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng phải bổ sung quy định về giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết để làm căn cứ xác định trách nhiệm khi các văn bản này chậm được ban hành. Nhiều đại biểu Quốc hội khác đã đồng tình với quan điểm này.

Một số đại biểu nhất trí với dự thảo luật quy định cơ quan soạn thảo phải trình dự thảo văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết ngay khi trình dự thảo luật. Song đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) lại thấy quy định như vậy “chưa thực sự phù hợp thực tế vì thời hạn từ khi luật được thông qua đến khi có hiệu lực dài, có những nội dung trong luật thời điểm có hiệu lực mới rõ” nên cần cân nhắc. 

Xuất phát từ thực tế, nhiều văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết “vượt” văn bản được hướng dẫn, không còn mang ý nghĩa giải thích mà đặt ra quy định pháp luật mới nên đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) cho rằng, dự thảo luật phải quy định rõ các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết “không được quy định thêm quyền, trách nhiệm pháp lý mới vượt quá văn bản được hướng dẫn”.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã, vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có đại biểu cho rằng để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Đây là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo pháp luật.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) tán thành với đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng đề nghị cần quy định chặt chẽ. Đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) đồng tình việc giao thẩm quyền cho HĐND và UBND cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại cho rằng không nên giao cho HĐND và UBND cấp xã thẩm quyền này.

Theo chương trình, dự kiến, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 22-6.

Trước khi xem xét dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Buổi sáng ngày 22-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Ngày 23-5, buổi sáng các đại biểu thảo luận ở tổ, buổi chiều làm việc tập trung tại hội trường.

ĐỖ PHÚ THỌ