Mong muốn làm giàu trên quê hương
Chưa có một con số thống kê đầy đủ, nhưng theo ước tính có khoảng 3/4 lao động của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai... đến từ các địa phương khác, phần lớn từ các tỉnh miền Tây. Trải qua dịch bệnh, họ bị mắc kẹt trong thế khó khăn chồng chất, vừa lo mất an toàn, vừa lo sinh kế khi mất việc làm, không có thu nhập. Trong tình thế đó, khi “van nén” được mở, phần lớn bà con chọn phương án về quê. Theo con số thống kê, đến hết tháng 10, các tỉnh miền Tây đã tiếp nhận khoảng 500.000 người lao động về quê từ những vùng tâm dịch kể trên, trong đó có không ít người ở độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc làm ổn định tại quê nhà.
 |
Công nhân làm việc tại Công ty Kwong Lung-Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). |
Sống bám với cái nghề “con mắm, cá khô” từ nhỏ tại “rốn lũ” huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (xã Khánh An) nhận thấy nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng ít, cuộc sống quê nhà ngày một khó khăn. Bàn với gia đình, gửi lại các con cho ông bà, vợ chồng chị Hiền quyết tâm lên TP Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội việc làm. Thế nhưng giấc mộng đổi đời chưa thấy thì dịch bệnh bùng phát. Ba tháng trôi qua, dù được chính quyền hỗ trợ nhưng với vô vàn chi phí, tiền ăn, tiền thuê trọ..., không thể tiếp tục cầm cự, vợ chồng chị lại khăn gói về quê. Trò chuyện cùng chúng tôi khi vừa hoàn thành việc cách ly tại nhà, chị Hiền chia sẻ mong muốn được làm việc tại quê nhà. “Trên địa bàn huyện, nhu cầu sử dụng lao động tại các công ty, doanh nghiệp không nhiều nên phải đi xa chứ có ai muốn xa con cái, xa quê hương đâu. Còn về thu nhập chỉ cần bằng 60-70% so với mức thu nhập tại các thành phố lớn là được rồi”, chị Hiền chia sẻ.
Cũng như chị Hiền, 5 năm đi làm ở Bình Dương, mỗi dịp Tết, anh Huỳnh Văn Dững, ngụ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đều gửi về nhà 20-30 triệu đồng. Nhưng lần về quê này, anh gần như tay trắng. Giấc mộng kiếm tiền nơi vùng đất hứa không thành, cộng thêm sự ám ảnh bởi dịch bệnh, anh Dững quyết định làm ăn trên chính quê hương mình. “Cuộc sống khó khăn quá, tôi cũng muốn về quê nhưng về rồi thì không biết làm gì ra tiền, chúng tôi đang hy vọng chính quyền địa phương sẽ có giải pháp, nhất là giải pháp về sinh kế giúp chúng tôi ổn định cuộc sống”, anh Dững bộc bạch.
Đa dạng hình thức kết nối cung - cầu việc làm
Trước thực trạng hàng trăm nghìn lao động trở về, để giải quyết bài toán việc làm, thu nhập, cuộc sống của người lao động hồi hương, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tổ chức rà soát, hỗ trợ an sinh; kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn không đứng ngoài cuộc, trên cơ sở khảo sát thực tế những lao động hồi hương, hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động.
Điển hình như tại TP Cần Thơ, mới đây, phiên giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL (đợt 1) đã được tổ chức với sự góp mặt của 101 doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Thông qua phiên giao dịch, các nhà tuyển dụng đã tiếp cận và tuyển dụng được nhân lực theo yêu cầu. Có mặt tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến, bà Lê Thị Thu Ngân, nhân viên Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Tea Kwang Cần Thơ cho biết, công ty đặt mục tiêu mỗi ngày tuyển 30 lao động, ngay trong ngày đầu tiên đã nhận hàng chục hồ sơ. “Tham gia phiên giao dịch này, công ty của tôi có nhiều cơ hội tuyển được ứng viên từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài những người lao động đến từ Cần Thơ, họ cũng có thể đến từ những địa phương khác như Sóc Trăng, Hậu Giang hay những địa bàn hết dịch. Để góp phần chung tay cùng địa phương giải quyết việc làm, đối tượng lao động được xét ưu tiên tuyển dụng trong đợt này là lao động có tay nghề, đã từng làm việc tại các nhà máy tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông vừa trở về quê hương, đã thực hiện xong cách ly”, bà Lê Thị Thu Ngân bày tỏ.
Tương tự Cần Thơ, Sóc Trăng là địa phương có người lao động về quê đông nhất từ trước đến nay, với con số 50.000 người ở khắp các huyện, thị xã, theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng, thông qua phiên giao dịch việc làm tại sàn và lưu động, đến nay, đã giải quyết việc làm cho 11.283 lao động. Hiện tại, trung tâm vẫn duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại sàn và lưu động nhằm kết nối cung-cầu lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã tổ chức thành công 7 phiên giao dịch việc làm (gồm 3 phiên lưu động, 4 phiên tại sàn) với sự tham gia của 752 lao động. Các lao động tham gia được giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh, công việc cũng đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề như: Sản xuất đồ gỗ, nội thất, sản xuất nhựa, may mặc, thực phẩm, chế biến thủy sản, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, lao động giúp việc nhà... với mức lương dao động từ 4,5 triệu đồng đến khoảng 9 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào các vị trí việc làm. “Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung-cầu. Đồng thời, tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường tư vấn, giới thiệu, kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua Fanpage, Zalo, Facebook, Cổng thông tin việc làm, Sàn giao dịch việc làm...", ông Phương nói.
Để những người con của vùng đất Bạc Liêu không phải rời quê hương tìm kiếm cơ hội việc làm, bà Đỗ Ái Lam, Phó chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, không phải người lao động nào cũng có nhu cầu ở lại địa phương lập nghiệp. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiến hành khảo sát, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và cả trình độ chuyên môn nghề nghiệp của các đối tượng lao động, sau đó chia thành nhóm nhỏ để phỏng vấn rồi mời các doanh nghiệp lại để tuyển dụng. “Trong hơn 24.000 lao động trở về quê, có khoảng 50% cho biết sẽ ở lại quê tìm việc làm phù hợp. Qua làm việc với các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trong tỉnh, bước đầu đã có 10 doanh nghiệp cam kết tuyển dụng lao động về quê với số lượng khoảng 10.000 người. Các doanh nghiệp tiếp nhận lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu và may mặc. Đây là những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn, sẵn sàng đào tạo nghề để lao động vào làm việc với mức lương bảo đảm cuộc sống”, bà Lam thông tin.
Cùng với phương án kết nối cung-cầu, các tỉnh: An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long còn tạo công ăn việc làm tại chỗ bằng cách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, con giống để chăn nuôi, trồng trọt; tiến hành đào tạo nghề mới... Chị Nguyễn Thị Mai Đình, ngụ tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: “Ngay sau khi dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã kịp về quê. Khi tìm hiểu nguyện vọng, trong thời gian giãn cách, tôi và một số chị em khác được địa phương tạo điều kiện học nghề pha chế đồ uống tại cơ sở đào tạo nghề Cuộc sống mới. Trừ buổi lên cơ sở làm thủ tục, thời gian còn lại đều học online với giáo viên. Ngoài đào tạo nghề, địa phương cũng hỗ trợ vốn để tôi mở một điểm buôn bán thức uống, nhờ đó không phải xa nhà tìm kiếm việc làm như trước”.
Thực tế, bức tranh lao động hồi hương và câu chuyện an sinh không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được. Do đó, với chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép, trong bối cảnh này, các cấp chính quyền địa phương, các sở, ngành và đơn vị liên quan cần nhìn nhận lại một cách tổng thể công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, để chuyển đổi kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đồng thời chú trọng hơn cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương và sử dụng lao động của địa phương. Có như thế, ĐBSCL mới có thể giữ chân nông dân lại địa phương và hạn chế tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực, nhất là tình trạng nông dân bỏ ruộng đi nơi khác kiếm sống.
Bài và ảnh: THÚY AN