Lâu nay, kinh tế hộ gia đình được xem là nền tảng vững chắc trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương của huyện Vị Xuyên. Nhờ lựa chọn phát triển mô hình kinh tế đa dạng, phù hợp, cùng với sự chăm chỉ, cần cù, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện không chỉ có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Là người dân tộc Mông, gia đình chị Mã Thị Chúa ở thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ đất vườn để trồng 3 sào chuối tiêu lấy quả, trồng lá giang với diện tích 1.000m2 và 1 phần diện tích đất còn lại gia đình chị trồng cỏ để làm thức ăn nuôi trâu, bò sinh sản. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về khoảng 150 triệu đồng.
 |
Chị Mã Thị Chúa (đội khăn) thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đang chăm sóc đàn bò của gia đình.
|
“Để phát triển chăn nuôi gia súc hiệu quả, tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, nắm kỹ các khâu kỹ thuật cơ bản như công tác chăm sóc, vệ sinh chuồng trại; kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh và các loại thức ăn cho đàn trâu, bò để đảm bảo dinh dưỡng, nguồn thức ăn đầy đủ cho đàn bò; đồng thời, gia đình tôi tận dụng chất thải trong chăn nuôi để bón cho cây trồng”, chị Mã Thị Chúa chia sẻ.
Phong Quang là xã nông nghiệp với diện tích đất rộng, bằng phẳng, nhưng lại thiếu nguồn nước, trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân? Đó là câu hỏi mà cấp ủy, chính quyền luôn đau đáu tìm lời giải. Không thể để phí đất, xã đã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu gieo trồng. Trong đó, chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, đến nay, trên địa bàn xã Phong Quang hiện có nhiều mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả như: Mô hình trồng các loại dưa hơn 50ha; thanh long ruột đỏ 19,7ha; na 23,8ha; hồng không hạt 12,3ha; dứa hiện có 7ha hay mô hình liên kết trồng mía đường xuất khẩu, trồng rau an toàn trong nhà lưới ứng dụng công nghệ 4.0, nuôi lợn thịt tại thôn Lùng Càng, quy mô từ 50 - 500 con, mô hình nuôi bò thương phẩm,…
Cùng với đó, toàn xã thực hiện tốt chương trình cải tạo vườn tạp với hơn 200 hộ đã thực hiện từ năm 2020 đến nay. Để các mô hình phát triển, mang lại hiệu quả, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con. Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi, sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm rõ rệt. Việc phát triển các mô hình kinh tế đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
 |
Thanh long một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). |
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Phong Quang cho biết: “Thời gian tới, xã khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dồn đổi, tích tụ đất đai, tạo thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Ngoài ra, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế”.
Đồng thời, xã tiếp tục triển khai tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực, hướng dẫn người dân khai thác tính hữu dụng của điện thoại thông minh, xây dựng fanpage, nhóm zalo để triển khai công việc và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, giúp nông dân quảng bá rộng rãi hàng hóa nông sản, cập nhật kịp thời về giá cả thị trường.
Từ những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân huyện Vị Xuyên vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới nâng cao bền vững của địa phương.
Bài, ảnh: KIM THU - THU BIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.