Sơn Mỹ những ngày tháng Ba, trên khắp cánh đồng làng đều trải mượt một màu xanh của lúa, bắp. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi núp bóng dưới rặng dừa. Thật khó có thể tưởng tượng, nơi đây, cũng dưới cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những rặng dừa, những ngôi nhà thân thương kia, cách đây 50 năm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng. Từng gốc rạ, bờ ruộng và những nẻo đường quê thấm đỏ máu và đầy xác người. Nhớ lại vụ thảm sát, những người may mắn sống sót vẫn còn bàng hoàng trong đau xót…

Cụ Trương Thị Lê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), một trong những nhân chứng sống sót kể: “Gia đình tôi có 11 người bị giết chết. Bò nó cũng bắn. Heo nó cũng bắn. Cây cối trong vườn nó bắn phá sạch trơn...”. Giây lát, cụ Lê hướng về phía cánh đồng lúa xanh rì trước nhà, bảo: “Vết thương nào rồi cũng sẽ lành. Giờ thấy cuộc sống yên bình, tôi thấy nguôi ngoai. Những người Mỹ cũng đã nhận ra lỗi lầm, tội ác, tôi mong muốn cháu con không được quên quá khứ nhưng hãy tạm gác quá khứ để hướng tới tương lai”.

Một góc Sơn Mỹ hôm nay.

Hơn ai hết, người dân Sơn Mỹ thấm thía nỗi đau của chiến tranh. Thế nhưng bằng sự bao dung, người dân nơi đây đã hóa giải hận thù, biến đau thương thành hành động, quyết tâm xây dựng quê hương và đã làm nên sự hồi sinh kỳ diệu trên vùng đất chết. Về Sơn Mỹ hôm nay có thể thấy người dân vốn yêu lao động “chân đồng, chân biển” hăng hái tăng gia sản xuất. Mỗi sáng sớm, cuộc sống lại rộn lên với biển xanh, cát trắng, những con thuyền rẽ sóng ra khơi, những người nông dân ra đồng cặm cụi... Sơn Mỹ ngày nay còn là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Quảng Ngãi, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đến Sơn Mỹ nếu không có tượng đài, không có những câu chuyện kể của hướng dẫn viên, sẽ rất ít người biết rằng nơi đây đã từng là vùng đất hoang tàn, chết chóc bởi chiến tranh.  

Chúng tôi tình cờ gặp đoàn du khách người Mỹ đến Sơn Mỹ vào những ngày này. Họ trầm ngâm suy tư như thể đang nghiêng mình xin lỗi người dân vô tội đã bị lính Mỹ sát hại. Anh Ramus Mueller nói rằng: "Thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòa bình. Chúng tôi không hiểu biết nhiều lắm về chiến tranh. Nhưng khi đến đây, chúng tôi đã được nghe và thấy được một sự thật quá sức hãi hùng. Chúng tôi và các bạn đều không mong muốn có chiến tranh. Tôi mong sao đất nước Việt Nam xinh đẹp và thân thiện này sẽ mãi mãi được sống trong hòa bình".

Mong ước ấy của người du khách Mỹ cũng chính là điều mà nhân dân Sơn Mỹ mong mỏi. Ông Phạm Thành Công, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, nói: "Chúng tôi luôn hướng đến tương lai, hướng đến cái thiện, hướng đến tương lai tươi đẹp của đất nước". 

Trong những năm đất nước đổi mới, xã Tịnh Khê đã có bước phát triển kinh tế-xã hội đáng kể. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho việc kết nối lưu thông và đi lại của người dân. Trên các tuyến đường trục chính đã có điện chiếu sáng. Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư kiên cố để dẫn nước tưới từ kênh chính thủy lợi Thạch Nham đến đồng ruộng, việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn. 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường; hệ thống trường, lớp các cấp từ mầm non đến THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,4%. Vùng đất anh hùng đang tiếp nối truyền thống cha ông và những kết quả đạt được là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của đất và người nơi đây. 

 Ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho biết: "Năm 2015, xã Tịnh Khê được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, dự án cầu Cửa Đại và các dự án du lịch đang triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển ở Sơn Mỹ. Đó là những dự án sẽ tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng và tạo điều kiện, tiền đề để địa phương phát triển.

Bài và ảnh: THANH NHỊ