Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 126 tuyến xe buýt trợ giá, trong đó có 25 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch (gồm 15 tuyến xe buýt điện và 10 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG), chiếm khoảng 20% số tuyến xe buýt trợ giá. Tổng số xe buýt trợ giá hiện nay tại Hà Nội có 1.856 xe, trong đó, số xe buýt sử dụng năng lượng sạch là 365 xe (đạt 19,7%).

Theo đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thủ đô, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70-90% và đến năm 2035 đạt 100%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành giao thông TP Hà Nội cần phải nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển hệ thống xe buýt điện, khi mà số xe buýt sử dụng năng lượng sạch hiện nay tại Thủ đô mới chỉ chiếm chưa đầy 20%.

Xe buýt điện đón, trả khách tại điểm chờ trên đường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. 

Theo các chuyên gia, giá xe buýt điện cao hơn so với xe buýt chạy bằng dầu diesel (gấp 2-3 lần) dẫn đến chi phí đầu tư xe buýt điện lớn hơn, tốn kém nguồn lực của doanh nghiệp hơn. Ngoài chi phí đầu tư phương tiện, các khoản chi phí về đầu tư hạ tầng như trạm sạc, trạm biến áp, hệ thống điều khiển, hệ thống cung cấp điện cũng là áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ chi phí lãi vay khi đầu tư và mua sắm phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe buýt điện, xe buýt xanh), đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (trạm sạc điện, trạm nạp năng lượng, bãi đỗ xe...). Vì vậy đến nay, một số đơn vị vận tải chưa tiếp cận được chính sách này. Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện nay mới chỉ có bộ định mức, đơn giá xe buýt điện cỡ lớn, chưa có định mức, đơn giá xe buýt điện cỡ trung bình, nhỏ, do đó chưa đủ cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đối với loại hình xe buýt điện này. Nội dung này đang được sở xây dựng triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Trước những khó khăn còn tồn tại, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, kế hoạch phát triển xe buýt xanh thay thế xe buýt chạy bằng nhiên liệu truyền thống là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Việc thay thế cần được thực hiện càng nhanh càng tốt vì điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng và người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, không thể cải tạo các xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sạch mà cần thay thế hoàn toàn phương tiện, điều này gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, vì vậy, thành phố cần có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp giảm thiệt hại cho các đơn vị kinh doanh.

Đồng thời cần xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng xanh theo các giai đoạn, bảo đảm cung ứng đủ cho phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh hoạt động. Phối hợp với ngành điện lực xây dựng phương án cung cấp nguồn điện công suất lớn để vận hành các trạm nạp cho xe điện trên toàn mạng lưới xe buýt của thành phố, bảo đảm xe buýt hoạt động ổn định, không bị gián đoạn. 

TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh, việc quy hoạch các trạm sạc cần có phương án tổng thể để không chỉ phục vụ cho xe buýt hay giao thông công cộng mà còn có thể phục vụ cho phương tiện cá nhân sử dụng năng lượng xanh. Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức đào tạo nguồn nhân lực hiện có để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành các công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.

Bài và ảnh: PHẠM HOÀNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.