Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm nghẽn lĩnh vực BĐS là một trong những nguyên nhân gây tác động lớn nhất đối với chỉ số tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh thời gian qua. Vực dậy thị trường BĐS, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là giải pháp cấp bách, mang tính đột phá hiện nay...  

Bất động sản “đóng băng” dẫn đến đình trệ nhiều ngành kinh tế

BĐS là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan và tác động đến nhiều ngành nghề khác của nền kinh tế. Từ cuối năm 2022 đến tháng 4-2023, lĩnh vực BĐS ở TP Hồ Chí Minh bị “đóng băng” dẫn đến sự đình trệ của sản xuất vật liệu xây dựng, thiết kế, nội thất... Thất nghiệp gia tăng, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do lãi suất tăng cao, dòng tiền bị đứt gãy... Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có 156 dự án bị tắc, vướng mắc tập trung ở vấn đề thủ tục pháp lý chiếm tỷ lệ 70% khiến thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế. Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay mới chỉ có 5 dự án được tháo gỡ. Nếu tính bình quân mỗi dự án trị giá 2.000 tỷ đồng thì đã có tới hơn 320.000 tỷ đồng bị "đóng băng" tại đây mà không tạo ra giá trị gì cho nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 Nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh gặp vướng mắc về pháp lý. 

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh "đóng băng", nguồn cung giảm sút nghiêm trọng khi quý I-2023 chỉ có gần 400 sản phẩm được tung ra thị trường và chỉ có 78 sản phẩm giao dịch thành công. Số lượng nhân viên môi giới BĐS giữa năm 2022 có khoảng 100.000 người thì hiện nay giảm 85%, chỉ còn khoảng 15.000 người. Sự sụt giảm mạnh này khiến cung và cầu mất cân đối lớn, dẫn đến thị trường càng bế tắc.

Thực tế này đã tác động mạnh mẽ, đến mức nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam. Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết: Thị trường BĐS đóng góp trực tiếp khoảng 12% GDP nhưng đóng góp gián tiếp tới 20-25% tăng trưởng kinh tế vì BĐS liên quan tới ít nhất 50 ngành kinh tế khác. Tại TP Hồ Chí Minh, BĐS là ngành đứng thứ 4 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực, có tác động rất lớn. Tăng trưởng kinh tế quý I của thành phố chỉ đạt 0,7%. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp, xây dựng ghi nhận phần công nghiệp giảm nhẹ khoảng 0,8% nhưng ngành xây dựng âm gần 20%, kéo cả nhóm ngành này đi xuống. Nguyên nhân do thị trường BĐS tăng trưởng âm hơn 16%. Về vĩ mô, nếu BĐS có vấn đề lớn nữa thì sẽ kéo theo thị trường tài chính gặp khủng hoảng...

Cần những biện pháp cấp bách, trực tiếp

Nhiều chuyên gia khi đánh giá về thị trường BĐS đều có chung ý kiến là Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc quyết liệt, có nhiều nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo để gỡ khó cho BĐS và đã bước đầu tạo được hiệu quả, nhưng vẫn còn thiếu những giải pháp đột phá, đi thẳng vào các điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng: BĐS đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, năng suất lao động của ngành này cao gấp 10 lần năng suất lao động của nền kinh tế, đóng góp 22-25% tăng trưởng kinh tế. Vì thế, cần nhanh chóng xác định nguyên nhân gốc để giải quyết, định hướng kịp thời. Chúng ta không nên đổ lỗi tập trung vào doanh nghiệp BĐS mà cần nhìn rộng ra ở nhiều khía cạnh, từ thị trường, xu hướng đến chính sách tín dụng, điểm nghẽn pháp lý để khơi thông... Hiện tại, về mặt quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp BĐS thông qua các biện pháp: Giãn nợ, cơ cấu nợ, nới rộng thời gian hỗ trợ không chỉ dừng lại 12 tháng mà nên kéo dài đến 24 tháng; cấp nguồn vốn ưu đãi cho các dự án đang được triển khai tốt...

Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng: Tình hình thị trường BĐS hiện nay đang rơi vào khủng hoảng niềm tin, dẫn đến khách hàng tháo chạy khỏi thị trường. Để khôi phục niềm tin, cần tập trung vào các giải pháp: Doanh nghiệp phát huy nội lực để tái cấu trúc, linh hoạt trong thực hiện chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường với giá hợp lý, phù hợp khả năng người mua, qua đó tạo dòng tiền, thanh khoản. Các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương cần lên tiếng khẳng định quyết tâm vực dậy thị trường, tạo sự ổn định, củng cố niềm tin đối với lĩnh vực BĐS. Các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia vào việc tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ, thậm chí cả đối với từng dự án, từng doanh nghiệp có quy mô, tác động lớn đến thị trường...

Ông Phạm Lâm kiến nghị: Bên cạnh các giải pháp về vĩ mô, cần có các biện pháp, chính sách cụ thể, trực tiếp tác động vào các điểm nghẽn của thị trường. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực BĐS nhưng lĩnh vực này vẫn chưa hấp thụ được do không có dự án nhà ở xã hội nào được khởi động. Người vay mua nhà và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này vì chỉ hỗ trợ được 5% đối với người dân, 3% đối với doanh nghiệp trong 5 năm đầu, với đặc thù thời hạn vay 15-20 năm và triển khai dự án nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người dân khó có thể tham gia gói tín dụng này. Vì thế, cần sớm có gói tín dụng với chính sách hỗ trợ thoáng hơn, dài hạn hơn...

Tại hội thảo nêu trên, giới chuyên gia thống nhất kiến nghị: Các giải pháp cấp bách nên theo hướng trực tiếp, đột phá vào những khó khăn, vướng mắc của thị trường. Thị trường BĐS lâu nay rơi vào tình trạng méo mó, kích thích đầu cơ, mất cân đối cung cầu, giá trị bị đẩy cao phục vụ cho nhu cầu đầu cơ, không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu về nhà ở. TP Hồ Chí Minh đang có các giải pháp quyết liệt để vực dậy nguồn lực BĐS, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sớm đưa thị trường BĐS phát triển ổn định, đóng góp lớn vào nền kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp BĐS tập trung tái cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp, tham gia vào môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh bị cuốn vào khủng hoảng, phá sản, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN