12/14 chỉ tiêu đạt và vượt
Nhìn lại cả năm 2015, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội nước ta có nhiều chỉ số tích cực hơn, đáng mừng hơn. Trong số 14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội cơ bản, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hồi tháng 10-2015, với kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và đánh giá, dự báo tình hình 3 tháng cuối năm, Chính phủ đã dự tính GDP cả năm 2015 ước tính đạt 6,5%, vượt kế hoạch so với chỉ tiêu đặt ra là 6,2%. Kết quả đánh giá lại cho thấy, con số tăng trưởng GDP chính thức đạt 6,68%. “Đây là thành tựu rất lớn, là kết quả tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Theo đánh giá của Chính phủ, kết quả tăng trưởng 6,68% càng có ý nghĩa khi năm 2015, nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là giá dầu thô và giá nông sản đều giảm mạnh. Riêng việc giảm giá 2 loại hàng hóa này đã gây thiệt hại khoảng 5,4 đến 5,5 tỷ USD cho nền kinh tế nước ta. Một ý nghĩa khác được Chính phủ nhắc tới, đó là kết quả tăng trưởng 6,68% là tiền đề rất quan trọng để phấn đấu năm 2016 sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP kế hoạch Quốc hội đã thông qua là 6,7%. Với đà phục hồi đã đạt được, thậm chí, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực, quyết liệt hơn để đạt mức tăng trưởng trên 7%.
Một kết quả đáng mừng nữa là chỉ tiêu tạo việc làm cũng vượt kế hoạch đề ra. Trước đây, do dự báo tác động của tình hình kinh tế khó khăn, chỉ tiêu này được ước tính là sẽ không đạt 1,6 triệu người/năm. Tuy nhiên, kết quả đánh giá lại cho thấy, chỉ tiêu này đã đạt 1,625 triệu lượt người trong năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016. Ảnh: TTXVN.
Về chỉ tiêu bội chi ngân sách Nhà nước, kế hoạch đề ra là 5%, con số mà Chính phủ đánh giá lại là 6,1%. Tuy nhiên, Chính phủ đã phân tích và kết luận là không phải tăng bội chi về con số tuyệt đối. Chính phủ thực hiện đúng con số tuyệt đối tăng bao nhiêu tiền đã được Quốc hội thông qua. Nhưng vì giá để tính GDP giảm và chi phí đầu tư vẫn giữ nguyên nên tỉ trọng bội chi tăng lên. Do vậy, tỉ trọng tăng nhưng tổng số tiền không tăng.
2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng và xuất khẩu. Chính phủ nhận định, chỉ tiêu xuất khẩu thực tế chỉ đạt 7,9%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 10%. Nguyên nhân khiến chỉ tiêu xuất khẩu không đạt là do giá dầu và giá nông sản giảm mạnh, giá cả các mặt hàng xuất khẩu khác cũng giảm. Do vậy, mặc dù các mặt hàng đều tăng sản lượng xuất khẩu, nhưng tính chung kim ngạch lại giảm.
Chỉ tiêu trồng rừng không đạt là do mức xác định cơ sở để đánh giá quá cao, thiếu chính xác, dẫn tới mặc dù độ bao phủ rừng vẫn tăng khá, nhưng tính theo tỷ lệ thì vẫn chưa đạt.
2016 sẽ có nhiều khó khăn
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm, Chính phủ thống nhất, tình hình tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tốt. Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2016 tăng 0,42% so với tháng trước. Xuất khẩu 2 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 865 triệu USD. Thu hút vốn ODA, FDI tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đến 15-2 ước đạt 15,8% dự toán năm, tăng 2,4% (thu nội địa tăng mạnh và tăng 12,8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, 2 tháng tăng 6,6%. Nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết kém thuận lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, bảo đảm nguồn cung trong và sau Tết Nguyên đán. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 1,64 triệu lượt, tăng 16%.
Nông dân Đắc Lắc tưới nước đợt 2 cho cà phê. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thống nhất với các thành viên Chính phủ khi cho rằng, mặc dù tháng 2 có 9 ngày nghỉ Tết nhưng các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai tốt các chương trình, kế hoạch hành động về phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thống nhất nhận định, năm 2016, nước ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Đó là sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực; giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục; chính sách tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp của nhiều nước đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta, nhất là xuất nhập khẩu, thương mại, tỷ giá, thu chi ngân sách nhà nước.
Tập trung đối phó với thời tiết cực đoan
Một khó khăn khác được Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận, tìm giải pháp khắc phục, đó là diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết. Trong khi ở miền Bắc phải chịu rét đậm, rét hại thì phía Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ lại phải gánh chịu hạn hán nghiêm trọng; khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng bị xâm nhập mặn kỷ lục, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Để hạn chế tác động tiêu cực từ tình hình thời tiết cực đoan, Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn và khô hạn tại các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; phòng chống rét ở các tỉnh phía Bắc, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xuất tiền hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do thời tiết cực đoan với mức 2 triệu đồng/ha lúa, 4 triệu đồng/con trâu hoặc bò bị chết. Các địa phương có thể tạm ứng trước từ ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân.
Chính phủ cũng ghi nhận những giải pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, như ưu tiên đầu tư đường ống dẫn nước từ nơi có nước hoặc dùng phương tiện vận chuyển trực tiếp nước ngọt đến vùng thiếu nước, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trước mắt của nhân dân.
Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ cần khoảng 55.000 tỷ đồng để đầu tư cho việc ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan. Chính phủ giao các địa phương, các bộ, ngành liên quan tập trung ngăn mặn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chăn nuôi, cây trồng để ưu tiên sản xuất những giống tiêu thụ ít nước hơn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
CHIẾN THẮNG