Hơn 100 công ty, xưởng sản xuất nằm trong khu dân cư

Từ Quốc lộ 5 rẽ vào làng nghề Minh Khai, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những đoàn xe tải chở bao ni lông, hạt nhựa nối đuôi nhau vào các xưởng sản xuất. Với nhiều thuận lợi về giao thông, chính sách thu hút đầu tư... nên làng nghề nơi đây phát triển khá nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh, chia sẻ: “Hiện trên địa bàn thị trấn, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 10%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 43%, còn lại là thương mại, dịch vụ. Trong nhiều năm qua, việc các công ty, hộ sản xuất hoạt động hiệu quả đã giải quyết được cơ bản công ăn việc làm cho người dân và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, do nằm rải rác trong khu dân cư nên cũng đặt ra nhiều vấn đề phát sinh về tình trạng ô nhiễm môi trường cùng những hệ lụy do sản xuất gây ra”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, kỹ sư của Chi nhánh Hưng Yên Tổng công ty 319 kiểm tra công tác hiện trường tại khu 2. 

Theo thống kê của UBND thị trấn Như Quỳnh, hiện trên địa bàn có hơn 350 công ty, doanh nghiệp, trong đó có hơn 100 công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, xưởng sản xuất của các hộ kinh doanh nằm rải rác trong khu dân cư. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất tái chế nhựa. Do không sản xuất tập trung nên nguồn nước thải bị ô nhiễm nặng, đặt ra cho địa phương cùng ngành tài nguyên môi trường nhiều vấn đề không thể tự giải quyết.

Dự án mang tính xã hội

Trước thực trạng nêu trên, UBND thị trấn Như Quỳnh, UBND huyện Văn Lâm và UBND tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Đồng hành với chính quyền địa phương, Tổng công ty 319 triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng. Đây là dự án Cụm công nghiệp nhằm tiếp nhận các dự án đầu tư ở lĩnh vực: Sản xuất cơ khí, dịch vụ thương mại; sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hàng tiêu dùng; sản xuất và tái chế nhựa. Cùng với việc di dời những hộ sản xuất nhỏ lẻ trong thôn Minh Khai (Làng Khoai) hiện đang gây ô nhiễm môi trường, Cụm công nghiệp còn tạo điều kiện để người dân mở rộng cơ sở sản xuất.

Đại tá Trần Đăng Tú, Bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty 319, cho biết: Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng” là cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ được Thủ tướng Chính phủ nhất trí cho đầu tư xây dựng; UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận Tổng công ty 319 làm chủ đầu tư. Đơn vị thực hiện là Chi nhánh Hưng Yên Tổng công ty 319. Dự án có tổng diện tích 17,25ha, được chia thành 2 khu: Khu 1 rộng 7,31ha; khu 2 rộng 9,94ha và 10,4ha thương phẩm. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. “Với mong muốn sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng nhằm giảm tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường sống của người dân, ngay sau khi tiến hành giải phóng mặt bằng, Chi nhánh Hưng Yên Tổng công ty 319 đã nhanh chóng triển khai máy móc trang thiết bị để thi công hạ tầng. Sau gần một năm đẩy nhanh tiến độ thi công, hiện nay, các hạng mục của khu 1 đã cơ bản hoàn thành, theo kế hoạch trong tháng 12-2016 sẽ bàn giao cho các hộ dân đã đăng ký thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất đúng như cam kết của tổng công ty với địa phương”-Đại tá Trần Đăng Tú cho biết thêm.

Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng” mang đậm dấu ấn của những người lính thợ 319. Ngay từ khi mới động thổ khởi công dự án, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã nhanh chóng hưởng ứng, đón nhận và đăng ký thuê mặt bằng. Đại tá Phạm Ngọc Vịnh, Giám đốc Chi nhánh Hưng Yên Tổng công ty 319, cho biết: “Đến nay, đã có 230 hộ thuê mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh với tổng diện tích đất thương phẩm cho thuê đạt hơn 97%. Ngay từ khi triển khai dự án, Chi nhánh Hưng Yên Tổng công ty 319 đã tư vấn cho tổng công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại theo công nghệ của Thái Lan. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về tiến độ thi công trên công trường, điều chúng tôi thấy vui là khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ giảm hình thức sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ đó, những khó khăn, lo lắng của chính quyền địa phương và người dân được giải tỏa, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI