Có tiếp tục lập mốc kỷ lục mới?

Thị trường vàng thế giới đã có tuần sôi động khi giá liên tiếp biến động theo chiều hướng đi lên. Đợt tăng giá của vàng được kéo dài từ tuần trước sang tuần này sau một loạt báo cáo kinh tế yếu kém đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào giữa năm nay.

Đặc biệt, sau thời gian gian mắc kẹt, vàng đã chính thức "xô đổ" mức kỷ tục đạt được vào tháng 12-2023 và liên tiếp cán các mốc mới. Đỉnh điểm, giá kim loại quý này đã leo lên mức 2.203 USD/ounce. Kết thúc tuần, giá vàng giảm so với mức cao nhất được ghi nhận trong ngày thứ Sáu, nhưng đó vẫn là mức tăng trong tuần tốt nhất kể từ tháng 7-2020. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 được giao dịch lần cuối ở mức 2.186,2 USD/ounce, tăng hơn 4% so với thứ Sáu tuần trước.  

leftcenterrightdel

Chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ củng cố trong tuần tới. Ảnh: Kitco 


Sau chuỗi 7 ngày phục hồi ấn tượng đẩy giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại, nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường vàng có thể sẽ bước vào một sự củng cố trong thời gian tới. Tuy nhiên, đó không phải là dấu chấm hết cho xu hướng tăng của kim loại màu vàng.

Giá vàng giảm so với mức cao trong phiên giao dịch cuối của tuần khi giới đầu tư bắt đầu chốt lời sau đợt bứt phá vừa qua. Dù vẫn lạc quan giá kim loại màu vàng có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, nhưng Ngân hàng đầu tư TD Securities vẫn quyết định chốt lời vì nhận thấy khả năng biến động khó lường trong ngắn hạn.      

Giám đốc bộ phận Hợp đồng tương lai & Forex Chris Vecchio của Tastylive.com cũng nói rằng đã rút khỏi vàng khi ông nhận thấy thị trường cần một chút thời gian để “hít thở” sau đợt phục hồi mạnh vừa qua. Tuy nhiên, Vecchio cho rằng, đây mới chỉ là khởi đầu cho đợt phục hồi của vàng và điều quan trọng là giới đầu tư chọn đúng thời điểm để chốt lời.  

Vàng đã đạt được mức 2.200 USD/ounce sau khi báo cáo mới công bố cho thấy những con số việc làm đáng thất vọng. Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 275.000 việc làm trong tháng trước, nhưng vẫn có sự điều chỉnh giảm đáng kể về số lượng việc làm trong tháng 1 và tháng 12. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9% và tiền lương tăng ít hơn dự kiến. Các nhà phân tích cho biết dữ liệu việc làm làm giảm lo ngại về lạm phát và làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6.

Theo Giám đốc đầu tư Naeem Aslam của Zaye Capital Markets, dữ liệu đã xác nhận rằng Fed sẽ phải hành động và các nhà giao dịch đã tăng đặt cược đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu và điều đó là tín hiệu tích cực đối với vàng. Aslam dự báo, môi trường đó khiến khả năng vàng đạt được mốc 2.300 USD/ounce vào cuối năm ngày càng cao.

Mặc dù vàng được dự đoán sẽ vẫn trong xu hướng tăng mạnh nhưng một số nhà phân tích lưu ý rằng nó có thể sẽ nhạy cảm với một số hoạt động chốt lời. Chiến lược gia hàng hóa Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho rằng, vàng tăng giá là một dấu hiệu lạc quan, nhưng mặt khác, nó làm dấy lên lo ngại rằng, đợt phục hồi vừa rồi chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu cơ và họ có thể rời khỏi thị trường nếu mọi thứ không diễn ra như kế hoạch.

Sự kiện rủi ro lớn nhất đối với vàng vào tuần tới là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 2. Nếu dữ liệu lạm phát tăng mạnh hơn dự kiến có thể tạo ra một số áp lực bán đối với kim loại quý. Báo cáo chỉ số giá sản xuất, số lượng bán lẻ và dữ liệu sản xuất trong khu vực cũng được thị trường chờ đợi.

Tạo công bằng trong kinh doanh vàng

Thị trường vàng trong tuần này cũng không kém phần sôi động khi giá tăng vùn vụt. Bước vào tuần mới, vàng miếng trong nước giao dịch quanh ngưỡng 80 triệu đồng/lượng. Kim loại quý này liên tiếp tăng giá với mức tăng cao nhất là trên 1 triệu đồng. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu, giá vàng được điều chỉnh lên sát ngưỡng 82 triệu đồng/lượng. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần 17 triệu đồng/lượng.

Nói về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, nói rằng, việc giá vàng trong nước chênh lệch quá nhiều so với vàng thế giới là hiện tượng đáng quan tâm, bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ tạo cơ hội cho việc đầu cơ và buôn lậu vàng. Khi thấy vàng trong nước cao, các đối tượng này sẽ tìm cách đưa vàng thế giới vào trong nước để bán cao hơn nhằm thu lời. Việc này cũng kéo theo gây thiệt hại ngoại tệ cho nước ta do không kiểm soát được lượng vàng nhập khẩu. Ngoài ra, nếu thị trường có chênh lệch cao như thế thì sẽ rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là những người đã đầu tư từ trước đó.

leftcenterrightdel
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, sau hơn 10 năm kể từ khi ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, đến nay được dư luận đánh giá đã phát huy tác dụng, tránh được tình trạng vàng hoá nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình trong nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, cần thiết sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để phù hợp với thị trường.

Cụ thể là nhu cầu vàng trong nước đã tăng cao hơn so với trước đây. Nếu chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nhập khẩu vàng thì chỉ đáp ứng việc tiết kiệm ngoại tệ. Việc tiếp tục duy trì chế độ đó làm thiếu nguồn cung vàng, trong khi cầu vàng lại tăng, dẫn tới giá vàng trong nước luôn cao hơn vàng thế giới. Nếu kéo dài tình trạng này thì giá vàng có thể còn tăng hơn nữa.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên rút khỏi vai trò nhập khẩu vàng và chuyển cho các nhà kinh doanh vàng có uy tín để nhập khẩu với điều kiện kiểm soát và bảo đảm ngoại tệ. Ngoài ra, nên bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC để có thể tạo ra thị trường vàng cạnh tranh, công bằng hơn. Đồng thời cần thiết sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP hướng tới thành lập sàn giao dịch vàng để mọi hoạt động mua bán vàng trở nên công bằng, rõ ràng hơn.

TRẦN HOÀI - ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.