Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rút từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất (bậc 5) tương đương 701 kWh trở lên giá 3.457 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). 

Bộ Công Thương khẳng định, việc điều chỉnh giá điện từ 6 bậc xuống 5 bậc nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện một cách hiệu quả, hợp lý tránh lãng phí; qua đó cũng có thể thấy rõ sự phân hóa, giúp phản ánh tình hình tiêu thụ điện của từng hộ gia đình. 

leftcenterrightdel
 

Nếu như ở biểu giá hiện hành, giá điện sinh hoạt bậc 1, 2 sẽ được gộp lại thành một bậc ở phương án 5 bậc. Việc điều chỉnh không ảnh hưởng mà còn ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp. Nhóm này chiếm 33,48% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Như vậy, các hộ này sẽ tiết kiệm được 58 đồng/kWh thay vì phải trả số tiền 1.786 đồng/kWh cho 51-100kWh. 

Khi đề xuất phương án này, mục đích của Bộ Công Thương hướng tới là nhóm khách hàng khoảng 2% dùng bậc 5 (trên 700kWh) sẽ phải đóng số tiền lớn hơn, phân hóa rõ hơn giữa đối tượng sử dụng điện trung bình, sử dụng nhiều điện. 

Rút gọn biểu giá, nhất trí đồng thuận

Một mình sống trong căn nhà cấp 4, nên hằng tháng bà Trần Thị Hạnh (xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) chỉ tiêu thụ hết từ 10 đến 20kWh. Vì vậy, hóa đơn thanh toán điện sinh hoạt được tính ở mức 1 của bậc 6, tương đương 1.728 đồng/kWh. 

leftcenterrightdel

Hóa đơn thanh toán các tháng 4, 5, 6-2023 của bà Hạnh được Điện lực Hiệp Hòa thông báo cụ thể chi tiết.  

Khi được hỏi giá điện điều chỉnh tăng giá, theo bậc có ảnh hưởng đến cuộc sống, bà Hạnh nói: “Tôi chẳng dùng gì nhiều, cả nhà thắp mỗi 1 bóng đèn ở trong nhà, thêm cái quạt mùa hè nên không ảnh hưởng gì cả”. 

Từ hóa đơn bà Hạnh cung cấp, rõ ràng dự thảo đưa ra 6 bậc hay 5 bậc thì đều được tính toán chi tiết nhằm bảo đảm hỗ trợ đối với khách hàng là hộ nghèo và hộ thu nhập thấp.

Tháng 7-2023, anh Đinh Ngọc Tuấn (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã thanh toán 1.424.633 đồng (bao gồm cả VAT cho 527kWh). Trước dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra, anh Tuấn nhẩm tính áp dụng bằng tổng số điện của tháng 7 theo 5 bậc sẽ là 1.401.512 đồng, số tiền đã được giảm đi 23.121 đồng/tháng.

leftcenterrightdel
Biểu đồ đường thể hiện số tiền điện hằng tháng anh Tuấn phải đóng từ tháng 1-2022 đến tháng 7-2023. 

“Tôi nhất trí nếu dự thảo giá điện sinh hoạt 5 bậc được thông qua, rõ ràng việc sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn. Mỗi gia đình chung tay tiết kiệm điện chính đã góp phần xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, giúp ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất, bảo vệ môi trường”, anh Tuấn cho hay. 

leftcenterrightdel

Số tiền điện anh Tuấn sử dụng được tính toán chi tiết trên EVN.

Khác với anh Tuấn, anh Đồng Văn Hùng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lại đang sử dụng điện 3 pha kinh doanh sản xuất mặt hàng chế biến thực phẩm nên giá điện sẽ được theo một biểu giá dành riêng. Mỗi tháng, anh Hùng đều phải thanh toán hơn 2 triệu đồng tiền điện cho hơn 1.000 số điện. 

Ví dụ, với 1.089kWh/tháng, hóa đơn điện được tính theo các mức lần lượt là 50kWh-50kWh-85kWh-904kWh, đơn giá tương ứng 1.678-1.734-2.014-1.685 đồng, tổng số tiền phải thanh toán gồm cả VAT là 2.051.533 đồng. 

Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, cộng thêm giá điện đã tăng 3%, anh Hùng đã tính đến bài toán thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Anh cho biết, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại tiết kiệm điện nặng, các máy móc lâu ngày hiện có nguy cơ cháy nổ, rò rỉ điện rất cao.

"Tăng sao cho đúng, cho phù hợp nhưng phải có sự minh bạch, rõ ràng thì người dân hoàn toàn ủng hộ và đồng thuận nhất trí cao”, anh Hùng bày tỏ.

leftcenterrightdel

Hóa đơn thanh toán điện của anh Hùng trong tháng 3-2024 và tháng 4-2024. 

Cần áp giá bán điện hai thành phần

 PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, giá điện vẫn là điểm nghẽn, cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý. Bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) - đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Các ý kiến này cho rằng chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

leftcenterrightdel

PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: laodong.vn 

Theo PGS, TS Ngô Trí Long, việc cấp bách là phải nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm giá bán điện hai thành phần (bao gồm phần trả cho công suất đăng ký và phần trả cho điện năng tiêu dùng); có cơ chế ưu đãi, giảm giá để khuyến khích khách hàng sử dụng giá điện hai thành phần; tuyên truyền ưu điểm, lợi ích của giá bán điện hai thành phần.

Giá bán điện hai thành phần là hình thức giá công bằng, có ý nghĩa đối với các hộ sử dụng điện và cả phía cung cấp điện, góp phần sử dụng điện hiệu quả. Giá điện theo công suất đặc biệt hiệu quả đối với khách hàng sử dụng nhiều thiết bị điện với công suất khác nhau. Đối với ngành điện, việc quy định giá điện hai thành phần giúp giảm được chi phí đầu tư hệ thống điện khi các hộ sử dụng điện ổn định, phụ tải ở mọi thời điểm sẽ ổn định ở mức thấp, không tăng cao công suất vào giờ cao điểm.

leftcenterrightdel

Người dân thanh toán điện sinh hoạt trực tiếp thông qua tài khoản ngân hàng. 

Đối với khách hàng sử dụng điện, giá điện hai thành phần giúp giảm giá mua điện bằng cách tăng thời gian sử dụng điện. Giá điện theo công suất khuyến khích việc tiết kiệm công suất mà không tính đến việc tiết kiệm điện năng. 

Giá điện theo điện năng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà không tính đến lượng công suất liên quan. Giá điện hai thành phần có được ưu điểm và khắc phục được nhược điểm của mỗi loại giá nêu trên, góp phần làm cho hệ thống điện phát huy hiệu quả sử dụng mang lại lợi ích cho cả khách hàng sử dụng điện và ngành điện.

Từ thời điểm Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg có hiệu lực, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh 3 lần:

Lần 1 vào ngày 1-12-2017.

Lần 2 vào ngày 20-3-2019.

Lần 3 vào ngày 4-5-2023.

Việc điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian qua đều được thực hiện thận trọng, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng (được sự đồng ý của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương).

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC - KIM GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.