99 vị trí chưa thể thi công do vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519km, điểm đầu là Trung tâm điện lực Quảng Trạch, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Phố Nối với 4 dự án thành phần, gồm: Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu; dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu-Thanh Hóa; dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa; dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối. Dự án đi qua 9 tỉnh gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Toàn tuyến có 1.180 vị trí móng cột và 503 khoảng néo.

leftcenterrightdel
Công nhân thi công xuyên Tết tại vị trí 310, dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối. Ảnh: HOA TUẤN 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công tác giải phóng mặt bằng có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Để thực hiện dự án, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp thuận nhận tiền tạm ứng và bàn giao sớm mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến ngày 16-2, về tổng thể, công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao các vị trí móng cột đã đạt khoảng 91%; phần hành lang tuyến đạt khoảng 21%.

Cụ thể, duy nhất dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa hoàn thành 100% công tác bàn giao mặt bằng vị trí móng cột (180 vị trí) và 35/75 khoảng néo. Ba dự án còn lại, công tác bàn giao mặt bằng vị trí móng cột đạt từ hơn 80% đến gần 98%. Đáng chú ý, tại các dự án, dù được các tỉnh bàn giao mặt bằng vị trí móng cột nhưng 99 vị trí chưa thể thi công do vướng mắc quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đường tạm thi công... “Để bảo đảm tiến độ dự án, công tác bàn giao mặt bằng vị trí móng cột cần hoàn thành trong tháng 2 và hành lang tuyến trong quý I-2024. Điều này rất cần sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vướng mắc về thủ tục pháp lý cũng như sự đồng thuận của nhân dân khi triển khai dự án”, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.

Vướng mắc về thủ tục chuyển đổi đất rừng

Đề xuất cụ thể, EVN kiến nghị Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh quyết định chủ trương về tác động vào rừng để làm đường tạm, các công trình tạm phục vụ thi công mà không chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Đối với diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột đã được duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu phải điều chỉnh theo thiết kế kỹ thuật mà không vượt tổng diện tích đã phê duyệt thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh chấp thuận mà không phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ...

Nhấn mạnh vai trò cũng như tính cấp bách của dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện được tiến độ dự án trước ngày 30-6-2024, đề nghị các địa phương hoàn thành mặt bằng các vị trí móng cột trước ngày 20-2; mặt bằng hành lang tuyến chậm nhất là ngày 15-3. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng sớm xem xét, một mặt trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể thực hiện việc cho phép chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp để thi công... “Chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, ủng hộ cho dự án trong quá trình thi công cũng như vận hành sau này, vì đây không phải là dự án của EVN mà là dự án trọng điểm của quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.