QĐND - Những năm qua, Công ty 715 luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, là đơn vị điển hình của Binh đoàn 15 về phát triển sản xuất và mô hình gắn kết công nhân người Kinh với bà con dân tộc thiểu số (gắn kết Kinh - Thượng) ở vùng biên giới, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó, cùng chung sức phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và làm thất bại âm mưu chia rẽ của kẻ thù, xây dựng trận địa lòng dân vững chắc. 

Trong điều kiện khó khăn về quỹ đất và vốn đầu tư, nhất là sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, giá thấp hơn giá trần, không để đời sống công nhân, người lao động khó khăn, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 715 đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, từng bước tháo gỡ khó khăn, duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thượng tá Lê Đình Hùng, Giám đốc Công ty 715, cho biết: "Trong những năm qua, tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng công ty không những vẫn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 1.750 công nhân, người lao động (trong đó có hơn 400 lao động là thanh niên-con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ), mà còn bảo toàn và phát triển được các nguồn vốn. Công ty trồng và kinh doanh có hiệu quả 3.200ha cao su, 300ha cà phê. Năm 2014, kết quả mủ cao su quy khô khoảng 3.900 tấn, vượt gần 5%, bình quân đạt 1,81 tấn/ha. Cà phê quả tươi khoảng 3.800 tấn, vượt sản lượng hơn 10%, bình quân đạt 14,4 tấn/ha; giá trị sản xuất, kinh doanh đạt 170 tỷ đồng, doanh thu khoảng 220 tỷ đồng, vượt kế hoạch khoảng 3%; nộp ngân sách khoảng 38 tỷ đồng, bảo đảm 100% kế hoạch; thu nhập bình quân người lao động từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng...".

Cán bộ kỹ thuật Công ty 715 kiểm tra, hướng dẫn người lao động cách thu hoạch cà phê.

Đặc biệt, Công ty 715 đã bàn giao gần 400ha cao su đang mùa khai thác cho bà con địa phương. Đây được coi là “chiếc cần câu” giúp bà con ổn định cuộc sống. Đến nay, từ các làng, bản đến các khu kinh tế trên vùng biên giới đều đã có điện và đường giao thông thông suốt, tiền đề quan trọng để bà con giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế. Ngoài việc quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho công nhân và người lao động, Công ty 715 còn tổ chức 8 lớp tập huấn cho gần 2000 công nhân và người lao động (trong đó có 875 lao động là người dân tộc thiểu số) về kỹ thuật cạo mủ cao su, chăm sóc, thu hoạch cà phê; tạo điều kiện cho gần 1.500 hộ công nhân và người lao động có trang trại, thu nhập bình quân từ 100 đến 150 triệu đồng, nhiều hộ từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Nhiều “tỷ phú chân đất” như: Rơ Lan Ginh, Ksor Âu, Phùng Văn Bàng đã khởi nghiệp từ người lao động của đơn vị. 

Với phương châm "lo cho dân như lo cho mình" và quyết tâm không để bà con đói khổ, Công ty 715 chủ động mở rộng diện tích cây trồng cà phê, cao su... Từ năm 2013 đến 2014, đơn vị đã ưu tiên tuyển dụng 265 lao động con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân. Công ty cũng thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp, từ đầu tư chăm sóc vườn cây đến hoàn chỉnh mức khoán, đặc biệt là thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, vận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và những kinh nghiệm vào trong thu hoạch, chế biến nên chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Đến nay, sản phẩm của công ty làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, thị trường, giá thành ổn định. Bên cạnh đó, công ty còn chú trọng tái cơ cấu sản xuất, tinh giản biên chế; chuyển một số cán bộ có kinh nghiệm sản xuất xuống tăng cường cho các đội sản xuất; phân công cán bộ kiêm nhiệm từ một đến hai vị trí phù hợp với năng lực, trình độ. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ làm việc; tiết giảm một số chi phí vật tư, phương tiện sản xuất; động viên, khen thưởng cá nhân, tập thể có những sáng kiến hay trong sản xuất kinh doanh và giữ tốt, dùng bền các loại vật tư, phương tiện khai thác, tích cực sửa chữa kéo dài tuổi thọ vật tư, thiết bị sản xuất… Nhờ vậy, trong điều khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải giảm lương nhưng thu nhập của người lao động ở Công ty 715 vẫn ổn định. 

Đại tá Hoàng Ngọc Thành, Bí thư Đảng ủy Công ty 715, cho biết thêm: “Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Công ty 715 đã trích hàng chục tỷ đồng giúp chính quyền, bà con địa phương xây dựng bản làng và các hoạt động văn hóa truyền thống. Từ năm 2012 đến nay, công ty đã xây dựng và bàn giao 17 căn nhà nghĩa tình, nhà đồng đội, nhà chính sách, trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Hỗ trợ hơn 3 tấn gạo cho bà con vùng biên giới mùa giáp hạt; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí hơn 2.750 lượt người. Đặc biệt, công ty đã tổ chức gắn kết cho 445 cặp hộ giữa công nhân người Kinh với công nhân người dân tộc thiểu số nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, tăng hiểu biết về văn hóa, đoàn kết cùng nhau xây dựng nông thôn mới phát triển, làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng vùng biên phát triển về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh”. 

Không giấu được niềm vui, "tỷ phú" Rơ Lan Ginh ở làng Tung Chúc tâm sự: “Tôi vào làm công nhân cho Công ty 715 từ năm 2005, ngoài nhận khoán 4ha cao su. Được sự giúp đỡ của Công ty 715 về cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác… tôi còn trồng thêm 4ha cao su, 5ha điều và hơn 1ha mì. Bây giờ mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ 200 đến gần 300 triệu đồng. Riêng năm 2015, vợ chồng tôi đang phấn đấu thu nhập hơn 400 triệu đồng. Có tiền, tôi tập trung đầu tư cho con cái ăn học; trồng thêm cà phê, hồ tiêu… để cho nó “đẻ ra” nhiều tiền hơn nữa. Cuộc sống người dân vùng biên giới giờ đây đã khá hơn trước nhiều, thành quả đó có công lao đóng góp của bộ đội Công ty 715!".

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI