QĐND - Sau khi hoàn thành công tác xây dựng, đường cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Lào Cai chuẩn bị thông xe, khai thác toàn tuyến. Lần đầu tiên tại Việt Nam có tuyến đường cao tốc dài hơn 240km đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố, kết nối khu vực rộng lớn của đất nước. Một trong những vấn đề người dân quan tâm hiện nay là công tác quản lý, vận hành tuyến cao tốc có quy mô lớn nhất cả nước này sẽ được thực hiện ra sao? 

 Rút ngắn một nửa thời gian lưu thông

Với việc đưa toàn tuyến dài 245km của cao tốc Nội Bài-Lào Cai vào lưu thông, theo đánh giá của Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án, sẽ tạo nên một bước đột phá lớn, giảm đáng kể thời gian lưu thông. Ước tính, thời gian đi lại giữa Hà Nội và Lào Cai sẽ giảm từ 7 tiếng như trước đây xuống còn 3,5 tiếng nếu di chuyển trên tuyến đường này. Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch, tuyến đường này còn góp phần giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 2, Quốc lộ 2B, Quốc lộ 32C, Quốc lộ 4E và Quốc lộ 70. Các phương tiện còn tiết kiệm được nhiên liệu, nâng cao tính an toàn, đi lại thông thoáng, không có điểm giao cắt với đường khác.

Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, mức phí theo quãng đường di chuyển.

Trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai, có đoạn tuyến dài 122km từ Yên Bái đi Lào Cai được xây dựng với hai làn xe và hai làn phụ trợ. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, khai thác đường cao tốc chỉ với hai làn xe. Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc (VEC O&M), với đoạn tuyến hai làn xe, phương tiện được di chuyển tối đa 80km/giờ, tối thiểu 60km/giờ. Trung bình 2,5km có một vị trí bố trí so le các điểm vượt xe, ngoài ra, phương tiện có thể sử dụng làn phụ trợ để tránh, vượt. Đối với đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái dài 123km được xây dựng bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách cứng ở giữa. Phương tiện được phép lưu thông với tốc độ tối đa là 100km/giờ, tối thiểu 60km/giờ, khoảng cách an toàn 100m. Trên tuyến còn có hai công trình hầm, trong đó, hầm chui Quốc lộ 2 dài 40m và hầm xuyên núi thuộc địa phận Yên Bái dài 530m.

Cùng với việc thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến, mức phí của các phương tiện khi sử dụng đường cao tốc này cũng được công bố. Theo đó, phí trung bình cho đoạn tuyến bốn làn xe là 1.500 đồng/km, đoạn hai làn xe là 1000 đồng/km. Mức phí được quy định cụ thể cho 5 loại xe, trong đó, xe con sẽ có mức thấp nhất là 10.000 đồng và cao nhất là 300.000 đồng/phương tiện/lượt, tùy theo quãng đường. Xe công-ten-nơ 40 fit thấp nhất là 60.000 đồng, cao nhất là 1.220.000 đồng/phương tiện/lượt. Toàn tuyến bố trí 10 trạm thu phí, đặt tại các điểm ra vào đường cao tốc. Tuyến đường này được áp dụng hình thức thu phí kín, phát thẻ cho phương tiện khi đi vào đường cao tốc, thanh toán tại điểm ra.

Công trình của những giải pháp đột phá

Nhắc đến quá trình thực hiện dự án, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC, chia sẻ: Đã có những lúc, nhiều người không thể tin là tuyến đường này có thể hoàn thành được trước "một núi" khó khăn gặp phải. Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) càng thể hiện quyết tâm không chùn bước, tinh thần này được truyền đến các đơn vị tham gia dự án từ chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công và cụ thể hóa bằng những giải pháp đột phá. “Để tháo gỡ cơ chế chính sách về nguồn vốn, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp sang làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đơn vị tài trợ vốn cho dự án. Trước sự yếu kém của một số đơn vị nước ngoài là nhà thầu chính của dự án, lãnh đạo Bộ GTVT đã đến nước sở tại gặp gỡ, thảo luận với lãnh đạo công ty mẹ, bàn giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, chủ đầu tư tìm mọi cách thu xếp nguồn vốn, tạm ứng cho nhà thầu phụ nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Mai Tuấn Anh bày tỏ. Với việc huy động nguồn lực lớn về tài chính, trong đó riêng giai đoạn nước rút, chủ đầu tư đã tạm ứng cho các nhà thầu hơn 500 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng đưa dự án về đích.

Phương tiện đã có thể lưu thông thuận lợi trên toàn tuyến.

Một trong những công đoạn gian nan nhất khi thực hiện dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai là hoàn thành giải phóng mặt bằng. Với diện tích hơn 2000ha cần giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến hơn 25.000 hộ dân, đây có thể xem là một trong những kỷ lục của dự án này. Theo đại diện VEC, bên cạnh áp dụng những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, đền bù khi thu hồi đất, một điểm mới của dự án là thực hiện chương trình phục hồi thu nhập. Đối tượng của chương trình là những hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng (mất hơn 10% đất sản xuất) và hộ dễ bị tổn thương như: Gia đình chính sách, hộ nghèo, người tàn tật, dân tộc thiểu số… Sau khi sàng lọc, có khoảng 15.000 hộ được hỗ trợ phục hồi thu nhập. Mục tiêu là giúp các hộ gia đình này có mức thu nhập ít nhất bằng với trước khi bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhiều mô hình được áp dụng như: Nâng cao năng suất trên diện tích đất còn lại, phát triển chăn nuôi, chuyển đổi sang công việc phi nông nghiệp… Hiệu quả của chương trình đã bước đầu được khẳng định, sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm với kết quả khả quan, hiện nay, giai đoạn đại trà đã chuẩn bị hoàn thành, tạo sinh kế cho người dân khi bị mất đất sản xuất.

Để công trình đi vào khai thác hiệu quả, phát huy hết công năng, chất lượng thi công là yếu tố quyết định. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi một số đoạn trên tuyến, nhất là những đoạn thuộc gói thầu A4, A5 được thi công trong thời gian nước rút có thể ảnh hưởng đến chất lượng. Theo ông Lê Kim Thành, Phó tổng giám đốc VEC, người trực tiếp chỉ huy thi công dự án, các hạng mục trên toàn tuyến đã được triển khai từ 4-5 năm trước, không phải đến lúc nước rút mới bắt đầu, trong thời gian cuối của dự án, nhà thầu bổ sung thêm nhân lực, thiết bị, máy móc để đáp ứng tiến độ. Cùng với đó, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực để kiểm soát chặt chẽ chất lượng. “Nhà thầu chính cũng phải giám sát nhà thầu phụ. Với những đoạn không đạt yêu cầu, chúng tôi buộc đơn vị thi công phải bóc bỏ, làm lại”, ông Lê Kim Thành khẳng định. Mặc dù vậy, nỗi lo lắng về hiện tượng hằn lún vệt bánh xe vẫn luôn thường trực khi đã xuất hiện không ít xe quá tải lưu thông trên tuyến. Ông Lê Kim Thành cho biết, thường xuyên có xe trọng tải lớn từ các bãi quặng chạy trên tuyến, để kiểm tra tải trọng, đã bố trí hai trạm cân xe di động ở đầu và cuối tuyến, đến tháng 10-2014, sẽ lắp đặt cân cố định tại trạm thu phí. Đơn vị vận hành, bảo trì đường cao tốc không có chức năng xử phạt xe quá tải, nhưng nếu phát hiện có thể xử lý bằng cách từ chối phục vụ, không cho phương tiện đi vào đường cao tốc. Cùng với việc thông xe tuyến đường, một số hạng mục phụ trợ như cống chui, đường gom cũng đang khẩn trương hoàn thiện, góp phần giúp đường cao tốc vận hành đồng bộ.

Trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai có 120 cầu lớn, nhỏ (trong đó có hai cầu lớn là cầu Sông Hồng và cầu Sông Lô. Nhiều hạng mục thi công của dự án có khối lượng rất lớn như: Xử lý mái dốc hơn 1,3 triệu m2; xây dựng 460 cống hộp và cống phục vụ dân sinh, 895 cống tròn thoát nước các loại. Khối lượng đất đá đào đắp lên đến 100 triệu m3; hơn 6 triệu m3 cấp phối đá dăm; gần 1,8 triệu tấn bê tông nhựa các loại và 600.000m3 bê tông. Ngoài ra, còn có hơn 90.000m cọc khoan nhồi, ước tính chiều dài gần bằng quãng đường từ Hà Nội đi Hải Phòng. (Nguồn VEC)

Bài và ảnh: ĐỖ MẠNH HƯNG