Chủ động chuẩn bị

Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng thúc đẩy liên kết vùng. Đây là “giấc mơ” suốt 13 năm nay của TP Hồ Chí Minh nhằm rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương và tăng tính kết nối vùng. Sau hơn 1 thập kỷ vì thiếu kinh phí nên không thể triển khai, bức tranh giao thông của TP Hồ Chí Minh cũng như kết nối liên tỉnh thiếu hệ thống vành đai kết nối nên tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, ngay sau khi có chủ trương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan đã chủ động tiến hành công tác chuẩn bị. Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: Để khởi công vào tháng 6-2023 (sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch), thành phố và 3 tỉnh đã thống nhất đề xuất Chính phủ cho triển khai đồng thời các công việc gồm: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả; phê duyệt dự án; điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường... để rút ngắn thời gian thực hiện. Trung tuần tháng 7 vừa qua, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thống nhất phương án, làm tốt công tác chuẩn bị tránh xảy ra sai sót.

Một trong những nhiệm vụ khó khăn là giải phóng mặt bằng, nhất là ở vùng đô thị hóa cao, dự án lại đi qua 4 tỉnh, thành phố nên việc giải phóng mặt bằng càng thêm phức tạp. Điều này đòi hỏi các đơn vị liên quan phải có kế hoạch chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, thống nhất ngay từ đầu để bảo đảm tiến độ. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là dự án lớn, thời gian thực hiện ngắn nên các địa phương cần triển khai song song một số công việc. Đối với giải phóng mặt bằng, cần làm nhanh nhưng phải chắc. Thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng cho ban quản lý dự án triển khai thi công.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cung cấp 

Với yêu cầu đó, 4 địa phương đề xuất Chính phủ cho làm đồng thời các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Cùng với giải phóng mặt bằng, vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng được tính toán, lên kế hoạch chi tiết. Theo kết quả khảo sát, dự án có gần 4.000 hộ trong diện bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Các địa phương đã và đang khẩn trương chuẩn bị địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư bảo đảm quyền lợi cho người dân. Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết: Đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 11km nằm hoàn toàn trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, dự kiến thu hồi 65ha, bố trí khoảng 200 suất tái định cư. Huyện Nhơn Trạch đã xây dựng xong khu tái định cư Phú Đông có diện tích 30ha, đang xây dựng khu tái định cư Phước An diện tích 44ha, dự kiến sẽ bố trí cho các hộ giải tỏa trắng vào hai khu này. Sở đã phối hợp với UBND huyện Nhơn Trạch tính toán giá đền bù phù hợp, bảo đảm tốt nhất sinh kế cho người dân khi nhường mặt bằng cho dự án.

Lợi ích lớn, quyết tâm cao

Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền Nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, đường vành đai 3 sẽ giải quyết được rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng. Các phương tiện không cần đi vào đường nội đô để lên cao tốc, giúp giảm lượng lớn phương tiện cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm thành phố đến sân bay. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nếu kết nối tốt về giao thông vùng, đặc biệt là kết nối hành lang công nghiệp với cảng biển sẽ kích thích, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố phát triển đúng vị trí, tiềm năng; giảm chi phí kết nối cho doanh nghiệp và tạo điều kiện phát triển các đô thị trong vùng, giảm quá tải xe lưu thông vào trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Cùng quan điểm đó, Thạc sĩ Đoàn Hồng Đức, Trưởng bộ môn Quy hoạch giao thông (Viện Xây dựng, Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Chỉ xét về mặt giao thông, đường vành đai 3 mang lại lợi ích rất lớn thiết thực giải tỏa giao thông TP Hồ Chí Minh và kết nối với các tỉnh giáp ranh, đặc biệt trong điều kiện liên kết vùng phát triển kinh tế như hiện nay.

Với vai trò là đầu mối điều phối dự án trong quá trình triển khai, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực, dồn sức chuẩn bị cho dự án đường vành đai 3. Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành của thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lợi ích của đường vành đai 3 là rất lớn. Chúng ta có quyết tâm cao nhưng phải biến thành hành động, trách nhiệm và thời gian cụ thể; đồng thời phải chuẩn bị chu đáo để khởi công dự án đúng tiến độ.

BOX: Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 76km với kinh phí 75.000 tỷ đồng, đi qua 4 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Long An. Dự án chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6-2023, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. 

 TRẦN THỦY