Lời cam kết của Thủ tướng, yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp” đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) đã làm nức lòng các doanh nhân chân chính ở nước ta. Qua thông điệp đó cho thấy, người lãnh đạo cao nhất Chính phủ đã thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của các doanh nghiệp; hiểu rõ có nhiều việc cần tháo gỡ để những cản trở, vướng mắc không chặn đường phát triển của doanh nghiệp và đất nước.

Trước quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân chân chính của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật là trong những năm qua, môi trường sản xuất kinh doanh ở nước ta chưa thực sự thuận lợi với rất nhiều biểu hiện tiêu cực. Đó là ở không ít nơi có tình trạng cán bộ các cơ quan chức năng cố tình nhũng nhiễu doanh nghiệp, theo kiểu “gây khó để ló phong bì”. Đó là các thủ tục đăng ký thành lập và thủ tục trong các hoạt động của doanh nghiệp còn rất rườm rà, phức tạp, theo kiểu “hành là chính”... Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.

leftcenterrightdel
Vấn nạn “xe dù, bến lậu” không được xử lý nghiêm khiến các nhà xe làm ăn chân chính lâm vào cảnh khốn đốn do bị cạnh tranh không lành mạnh (Trong ảnh là bến xe khách lậu ở Quận 10, TP Hồ Chí Minh đang bị 12 doanh nghiệp vận tải tố cáo có nhiều sai phạm). Ảnh: TRUNG KIÊN. 

Theo phân tích của các chuyên gia, để xảy ra tình trạng doanh nghiệp “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” không phải do pháp luật nước ta có nhiều “lỗ hổng”, mà hệ thống luật pháp đã quy định rõ các quyền gắn liền với những nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước, với người lao động và với cộng đồng xã hội. Vấn đề là không ít cán bộ các cơ quan có chức năng quản lý, kiểm tra doanh nghiệp đã “lờ đi”, thậm chí “bật đèn xanh” cho những doanh nghiệp “biết điều với mình” và doanh nghiệp “sân sau” không thực hiện đúng các quy định của pháp luật để có lợi nhuận cao. Ví như bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; không đóng các loại bảo hiểm cho người lao động; vi phạm về phòng chống cháy nổ; cố ý làm hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại; khai báo gian dối nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế... thế nhưng cán bộ chức năng vẫn “bỏ qua”! Hệ lụy là không chỉ nhà nước, cộng đồng và chính người lao động trong những doanh nghiệp này chịu thiệt, mà biết bao doanh nghiệp làm ăn chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh đã rơi vào cảnh khốn đốn. Bị dồn vào bước đường cùng, không ít doanh nghiệp vốn làm ăn đứng đắn đã buộc phải tìm cách “trốn” các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định để có thể tồn tại... Và cái vòng luẩn quẩn “nếu làm ăn chân chính sẽ thua lỗ vì không thể cạnh tranh nổi” đã lôi rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vào con đường vi phạm, làm méo mó môi trường sản xuất kinh doanh và tác động rất lớn đến quyết định khởi nghiệp, đặc biệt là khiến các doanh nghiệp khó phát triển lớn mạnh, bền vững.

Những cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp” với quyết tâm “Chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới”, đã thực sự tạo động lực cho các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện khát vọng làm giàu văn minh, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.

Nhưng để quyết tâm của Thủ tướng được triển khai có hiệu quả, trước hết là tất cả lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải thông suốt quan điểm “chỉ đồng hành cùng các doanh nghiệp, doanh nhân chân chính”, quyết nói không và quyết đấu tranh chống kiểu làm ăn bất chính, cố tình vi phạm pháp luật. Chỉ khi nào tạo được môi trường sản xuất kinh doanh thật sự trong sạch, bình đẳng, không còn tình trạng doanh nghiệp “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” thì doanh nhân và doanh nghiệp nước ta mới thực sự lớn mạnh, phát triển nhanh và bền vững, đóng góp xứng đáng cho đất nước.

CÁT HUY QUANG